Liên danh Hoa Lư và Trung Quốc bị loại
Trao đổi với PLVN sáng hôm nay (2/8), đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đơn vị này đã tìm được một liên danh trong ba liên danh dự thầu đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành” trị giá 35.233 tỷ đồng. Đó là liên danh thuộc nhóm doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu, mang tên VIETUR.
Theo ACV, liên danh VIETTUR mới bước qua vòng 1 của quá trình đấu thầu, chủ đầu tư sẽ thực hiện bước tiếp theo là chấm hồ sơ về tài chính. Nếu bước qua vòng này, liên danh VIETTUR mới chính thức trở thành nhà thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Như vậy, với việc chỉ có một nhà thầu đủ điều kiện vào vòng hai, đồng nghĩa với việc hai liên danh còn lại đã bị loại “khỏi cuộc chơi” là liên danh Hoa Lư (Conteccons đứng đầu) và liên danh đến từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của PLVN, trước ngày ACV công bố liên danh lọt vào vòng hai, đã có những cuộc chiến “ngầm” xảy ra giữa hai liên danh Hoa Lư và VIETTUR. Điều đáng lưu ý, đứng đầu liên danh VIETTUR là một doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đằng sau là 9 doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Bởi vậy có thể nói, cuộc đua thầu của Hoa Lư và VIETTUR chính là cuộc đua của hai liên danh nhà thầu lớn nhất Việt Nam.
Đứng đầu liên danh Hoa Lư là Coteccons, ngoài ra có các tên tuổi khác trong liên danh như Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và một doanh nghiệp đến từ Thái Lan.
Liên danh VIETUR ngoài doanh nghiệp đến từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là những tên tuổi của ngành xây dựng Việt Nam như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1, Công ty CP Kết cấu Thép ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Điều đáng lưu ý, cả Ricons, Newtecons, SOL E&C đều là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương – người khai sinh và tạo lập nên tên tuổi của Coteccons.
Còn nhớ, cuối năm 2020, ông Nguyễn Bá Dương phải rời khỏi Coteccons khi doanh nghiệp này bị một doanh nghiệp nước ngoài “thâu tóm”. Nhưng với kinh nghiệm và các mối quan hệ trong ngành xây dựng, ông Nguyễn Bá Dương sau đó đã lập nên hệ sinh thái mới của mình bao gồm những doanh nghiệp chính như Ricons, Newtecons, SOL E&C. Doanh thu của những doanh nghiệp này ngày một tăng, không lâu sau trở thành đối thủ của Coteccons – đơn vị mà trước năm 2021 là doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam.
Sau “chiến thắng” lần này của liên danh VIETTUR, thêm một lần khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp hệ sinh thái ông Nguyễn Bá Dương so với Coteccons.
Những tên tuổi “khủng” trong liên doanh VIETTUR ?
Ngoài ba doanh nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương, liên danh VIETTUR còn xuất hiện những tên tuổi “khủng” khác của làng xây dựng Việt Nam. Cụ thể, Vinaconex là “ngôi sao” của ngành xây lắp hiện nay. Riêng năm 2022, tổng giá trị trúng thầu trong toàn hệ thống Vinaconex ở riêng mảng xây lắp đạt trên 11.000 tỷ đồng. Hiện đơn vị này đang thi công hàng loạt dự án ngàn tỷ khác tại cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, cao tốc Hà Giang – Tuyên Quang…
Vinaconex cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong thi công sân bay. Cụ thể, đơn vị này là nhà thầu thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình mở rộng sân đỗ máy bay khu vực nhà ga hành khách T2 – sân bay Nội Bài; dự án cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay hiện hữu Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 sân Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Tại sân bay Long Thành, Vinaconex cũng là thành viên trong liên danh thi công gói thầu San nền và thoát nước với giá trị giá hơn 4.400 tỷ đồng…
Công ty CP Kết cấu Thép ATAD cũng là một doanh nghiệp “khủng” trong liên danh VIETTUR. Đơn vị này chuyên lắp dựng các sản phẩm nhà thép tiền chế và kết cấu thép chất lượng cao. Dự án tiêu biểu của ATAD có thể kể đến như: Nhà máy Vinfast, tổ hợp sản xuất Hòa Phát – Dung Quất, sân bay quốc tế Cam Ranh, trung tâm dữ liệu FPT Telecom, cầu dây văng Bình Khánh, nhiệt điện Vĩnh Tân 4, sân bay quốc tế Phù Cát, nhà ga hàng không quốc tế Đà Nẵng…. Đơn vị này giới thiệu đã tham gia thực hiện hơn 3.500 công trình trên hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và có mạng lưới văn phòng đại diện tại nhiều nước như Myanmar, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Cambodia, Sri Lanka, Bangladesh và Uganda.
Như vậy có thể thấy, năng lực của liên danh lọt vào vòng trong cuộc đua thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành là rất ấn tượng. Đây là điều đáng mừng với chủ đầu tư ACV, vì áp lực phải tìm được nhà thầu đủ năng lực là rất lớn khi đây đã là cuộc đấu thầu lần hai, trong khi tiến độ sân bay Long Thành đang chậm, được cơ quan quản lý Nhà nước liên tục thúc ép tiến độ.
Dù ACV thông tin rằng cần thực hiện bước tiếp theo là chấm hồ sơ về tài chính của liên danh VIETTUR thì mới xác định được liên danh này có trúng thầu hay không. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, tỷ lệ trúng thầu của liên danh này lên đến 99,9%, bởi bước chấm hồ sơ về tài chính được hiểu nôm na là chủ đầu tư sẽ xem xét xem giá dự thầu của nhà thầu cao hơn hay thấp hơn so với giá trị dự toán của gói thầu. Mà không nhà thầu nào lại đưa giá dự thầu cao hơn giá dự toán của gói thầu để rồi bị trượt cả.
Giới chuyên gia nhận định, giá trúng thầu có thể sẽ thấp hơn hàng chục tỷ đồng, tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước.