Theo báo cáo Xu hướng chính ở Đông Nam Á (The 2024 Key Trends in Southeast Asia) năm 2024 của Acumen, hơn 350.000 sinh viên từ Đông Nam Á đang đi du học vào năm 2022, khiến khu vực này trở thành khu vực lớn thứ ba trên toàn cầu về lượng sinh viên ra nước ngoài sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khu vực, Việt Nam có số lượng du học sinh lớn nhất cho đến nay với 132.000 học sinh; tiếp theo là Indonesia và Malaysia với 56.000 người/mỗi nước và Thái Lan với 32.000 người.
Việc sinh viên từ Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đi du học không chỉ phản ánh sự khát khao học hỏi và tiếp thu kiến thức từ những nền giáo dục tiên tiến mà còn đánh dấu một xu hướng phát triển quan trọng trong việc xây dựng nhân lực thế hệ mới.
Bởi, “c âu chuyện du học không chỉ là câu chuyện về cá nhân mà còn là câu chuyện về sự chuyển mình của cả một quốc gia. Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi lớn, và những du học sinh chính là những hạt nhân quan trọng trong quá trình này ”, thông tin được đưa ra tại buổi giao lưu với Đại kiện tướng Lê Quang Liêm tại Học viện Smart Train mới đây.
Được biết, ông Lê Quang Liêm là một kỳ thủ nổi tiếng trong làng cờ vua thế giới, đạt nhiều danh hiệu như Vô địch Thế giới nội dung Cờ chớp 2013, Vô địch Châu Á 2019, Vô địch World Open Championship 2019, Giải đấu Cờ vua danh giá bậc nhất thế giới – Aeroflot mở rộng. Năm 2017, Lê Quang Liêm tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc tại Đại học Webster – ngôi trường có hơn 100 năm lịch sử và hiện đảm nhiệm vị trí Giám đốc SPICE (Viện Cờ vua Xuất sắc Susan Polgar) kiêm HLV trưởng Đội Cờ vua của ĐH Webster từ năm 2021.
Tại buổi giao lưu, các bên cùng quan điểm thị trường du học hiện đang rất phát triển ở Việt Nam. Trong đó, sự tăng tốc của giáo dục diễn ra trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Việt Nam còn đang nổi lên là điểm đến mới của dòng vốn FDI và các khoản đầu tư về chip, chất bán dẫn, AI…
Điều này dẫn đến bài toán thiếu hụt về nhân sự công nghệ. Báo cáo Nhân lực ngành IT Việt Nam, do TopDev công bố, đến năm 2025 ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam dự kiến cần đến 700.000 nhân sự. Tuy nhiên, con số thực tế chỉ đạt khoảng 530.000 người, tức thiếu gần 200.000 lao động lành nghề. Tình trạng khát nhân lực chất lượng đặt ra thách thức kép cho các doanh nghiệp Việt Nam: vừa phải tìm giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nhân sự, vừa tối ưu hóa nguồn lực nội bộ.
Do đó, các bên đã và đang liên kết với các trường đại học quốc tế danh tiếng để sớm chuẩn bị nhân lực cho thời điểm tăng tốc của thị trường công nghệ thời gian tới.
Thực tế, nhiều nhân tài công nghệ sau khi đi du học đang quay trở lại Việt Nam, không chỉ giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng điện tử mà còn thúc đẩy nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng.
Việt Nam đang có một đội ngũ rất đông du học sinh ở các trường đại học danh tiếng thế giới trở về quê nhà start-up, lãnh đạo công ty công nghệ. Đơn cử, ông Trần Tuấn Anh, CEO start-up pin năng lượng mặt trời Solano một trong rất nhiều người quay trở lại Việt Nam sau nhiều năm học và làm việc tại nước ngoài.
Hay tại VinAI, công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo, được thành lập bởi Tiến sĩ Bùi Hải Hưng , người từng học tại Đại học Harvard và Đại học Oxford. VinAI là công ty đầu tiên tại Việt Nam có bài báo được chấp nhận tại hội nghị NeurIPS, một trong những hội nghị hàng đầu về trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
Everest Education – công ty khởi nghiệp về giáo dục, được thành lập bởi Tony Ngo, người tốt nghiệp Đại học Harvard và Don Le, người tốt nghiệp Đại học Stanford. Everest Education đã xây dựng một nền tảng giáo dục trực tuyến, giúp học sinh Việt Nam tiếp cận với các chương trình học tập chất lượng cao và chuẩn quốc tế…
Các nhà sáng lập công nghệ Việt Nam cho biết, việc học tập tại các trường đại học hàng đầu thế giới đã giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ năng và tầm nhìn, cũng như mở rộng mạng lưới kết nối toàn cầu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/su-bung-no-ve-cong-nghe-thu-hut-manh-von-fdi-mo-ra-nhieu-co-hoi-kinh-doanh-cho-viet-nam-bao-gom-nganh-giao-duc-du-hoc-188240705093555955.chn