Chân dung doanh nhân Cao Tiến Đoan
Ông Cao Tiến Đoan sinh năm 1957, quê Sầm Sơn, Thanh Hóa. Vị doanh nhân này được biết đến là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á (gọi tắt là Tập đoàn Đông Á).
Ngoài sự nghiệp kinh doanh, ông Cao Tiến Đoan từng là Ủy viên ban chấp hành phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiệm kỳ 2015 – 2020, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa IX…
Nổi tiếng với khối tài sản khủng, ông Đoan từng gây bão mạng xã hội khi tuyến bố mua máy bay trực thăng để làm taxi. Ngoài ra, vị doanh nhân tuổi Đinh Dậu còn sở hữu của toà lâu đài “Bạch Dinh” toạ lạc trên khu đất rộng 50.000 m2 tại xã Quảng Châu, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Bên trong khuôn viên tòa lâu đài, vị đại gia xứ Thanh dành một phần diện tích để xây dựng sân bay cá nhân, đồng thời xây dựng khu nhà ở nghỉ dưỡng sinh thái với đường dạo quanh khuôn viên, đường xe điện, bể bơi, sân thể thao tenis, trong đó, nổi bật nhất vẫn là khu nhà gỗ rường truyền thống, phủ thờ công chúa Mỵ Châu…
Ông cũng nổi tiếng với thú chơi xe cổ khi sở hữu bộ sưu tập gồm 13 chiếc phần lớn là Mercedes. Từ chiếc xe là chiếc Mercedes cổ 190 từ những năm 50 cho đến chiếc sang trọng nhất S55 AMG.
Dữ liệu của PV ghi nhận tháng 4/2023, vợ chồng ông Đoan đem một chiếc Mercedes biển Thanh Hóa thế chấp tại Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa.
Ngoài Tập đoàn Đông Á, đại gia Cao Tiến Đoan còn đang đứng tên tại CTCP Tập đoàn Doanh nhân Thanh Hoá. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 3/2018, trụ sở chính đặt tại tòa nhà Đông Á, 11A1 Tân Hương, TP. Thanh Hoá.
Bên cạnh đó, vị đại gia này còn có niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá. Năm 2020, ông Đoan thay bầu Đệ điều hành Câu lạc bộ bóng đá tỉnh Thanh Hóa bằng việc thành lập Công ty TNHH MTV Bóng đá Đông Á Thanh Hóa vốn điều lệ 36 tỷ đồng. Từ đó, đội bóng có tên Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa do bầu Đoan làm Chủ tịch. Giám đốc điều hành là con trai ông Đoan – Cao Hoàng Đức.
Lượng lớn cổ phần được thế chấp tại ngân hàng
Về Tập đoàn Đông Á, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 10/1996, từng có tên gọi là Tổng Công ty Bất động sản Đông Á. Đến năm 2017, doanh nghiệp được cấp lại mã số thuế với tên gọi như hiện nay và do vợ chồng ông Đoan sở hữu phần lớn cổ phần.
Trước năm 2017, ông Cao Tiến Đoan nắm giữ 66,9% số cổ phần Tập đoàn Đông Á. Dữ liệu của PV ghi nhận, tháng 1/2017, ông Cao Tiến Đoan thế chấp lượng lớn cổ phần Tập đoàn Đông Á sở hữu của nhiều cá nhân khác nhau tại Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa gồm: 53,71% cổ phần Tập đoàn Đông Á sở hữu của ông Đoan (giá trị 135,3 tỷ đồng, theo đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm 30/5/2012); 8,79% cổ phần Tập đoàn Đông Á thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Điệp (giá trị 22,15 tỷ đồng theo đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm 30/5/2012); 12,71% cổ phần thuộc sở hữu của ông Cao Đức Thiện (giá trị 32 tỷ đồng theo đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm 30/5/2012); 12,36% cổ phần thuộc sở hữu của ông Cao Hoàn Đức (giá trị 31,13 tỷ đồng theo đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm 30/5/2012); 0,53% cổ phần thuộc sở hữu của Cao Văn Phú (giá trị 1,35 tỷ đồng theo đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm 30/5/2012); 11,9% cổ phần thuộc sở hữu của CTCP Tập đoàn Đông Âu (giá trị 30 tỷ đồng theo đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm 30/5/2012).
Đến tháng 3/2017, khi Tập đoàn Đông Á tăng vốn điều lệ từ 262 lên 583 tỷ đồng, ông Đoan giảm sở hữu xuống còn 57,6%. Các cổ đông còn lại gồm vợ ông Đoan là bà Nguyễn Thị Điệp 13,59%, Cao Đức Thiện 22,82%, Cao Văn Phú 5,95%.
Dữ liệu của PV cho thấy, hồi tháng 9/2019, ông Cao Tiến Đoan đem 57,64% cổ phần Tập đoàn Đông Á (trị giá hơn 336 tỷ đồng) thế chấp tại Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa. Cùng thời điểm này, bà Nguyễn Thị Điệp cũng đem 13,59% cổ phần Tập đoàn Đông Á (có giá trị hơn 79,2 tỷ đồng tại thời điểm góp vốn) thế chấp tại Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa.
Tới tháng 4/2020, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn lên 689 tỷ đồng. Lúc này, ông Cao Tiến Đoan sở hữu 57,77%, Cao Đức Thiện 21,77%, bà Nguyễn Thị Điệp 13,67%, Cao Văn Phú 6,77%.
Tháng 4/2021, Tập đoàn Đông Á tăng vốn điều lệ lên mức 1.269 tỷ đồng, trong đó, ông Cao Tiến Đoan sở hữu 58,36%, Cao Đức Thiện 17,84%, bà Nguyễn Thị Điệp 15,86% và Cao Văn Phú 7,9%.
Lần gần nhất tháng 12/2021, Tập đoàn Đông Á tăng vốn điều lệ lên mức 1.869 tỷ đồng. Lúc này ông Cao Tiến Đoan giảm sở hữu xuống 48,5%, bà Nguyễn Thị Điệp 24,5%, Cao Đức Thiện 21,5%, Cao Văn Phú 5,5%.
Loạt dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Đông Á
Tập đoàn Đông Á sở hữu nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng gồm: Khu đô thị mới ven sông Hạc (quy mô 37 ha, tổng vốn đầu tư 1.980 tỷ đồng); Dự án chung cư Đông Á Riverside (2 ha, 650 tỷ đồng); Dự án tòa nhà văn phòng – Khách sạn Đông Á (1.600 m2, 250 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn (60,46 ha, 5.000 tỷ đồng); Dự án Khu du lịch sinh thái – Văn hóa núi Trường Lệ (146 ha, 3.000 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới Quảng Tân (15 ha, 350 tỷ đồng).
Trong đó, hồi đầu năm 2024, Tập đoàn Đông Á khởi kiện UBND TP Thanh Hóa liên quan đến việc thực hiện dự án Khu đô thị ven sông Hạc.
Cụ thể, Tập đoàn Đông Á gửi đơn yêu cầu tòa án giải quyết: Buộc UBND TP Thanh Hóa thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại thông báo kết luận số 69/TB-UBND ngày 9/4/2019 và thông báo số 133/TB-UBND ngày 24/6/2019; thực hiện giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của mặt bằng quy hoạch số 731/QĐ-UBND ngày 22/1/2020.
Đồng thời, yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa bàn giao 196 lô đất tái định cư, tương đương 3,5ha đất tại mặt bằng quy hoạch số 731 cho Tập đoàn Đông Á, liên quan đến dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc (thành phố Thanh Hóa).
Được biết, ngày 11/1/2006, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 151/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo sông Hạc và dân cư ven sông Hạc (đoạn từ cầu đường sắt đến cầu Bốn Voi) tại TP. Thanh Hóa.
Sau đó, dự án được điều chỉnh lại nhiều lần tại các Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 8/7/2009; Quyết định số 1717/QĐ-UBND ngày 24/5/2010; Quyết định số 3037/QĐ-UBND ngày 14/9/2012.
Lý do điều chỉnh, để đảm bảo phù hợp quy hoạch chi tiết 1/2000 khu đô thị Bắc cầu Hạc, TP. Thanh Hóa; Đảm bảo yêu cầu xây dựng khu đô thị mới với việc cải tạo, chỉnh trang khu dân cư ven sông Hạc; Tạo lập khu đô thị hoàn chỉnh về mặt hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đảm bảo cảnh quan môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho dân cư đô thị.
Theo Quyết định số 3538/QĐ-UBND ngày 6/10/2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa, dự án khu đô thị mới ven sông Hạc do Tập đoàn Đông Á triển khai trên diện tích 37ha, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân của 3 phường Đông Thọ, Trường Thi và Nam Ngạn, với tổng mức bồi thường GPMB hơn 550 tỷ đồng.
Ngày 19/7/2018, Tập đoàn Đông Á có bàn giao cho UBND thành phố Thanh Hóa 194 lô đất kinh doanh của doanh nghiệp này (thuộc mặt bằng quy hoạch 3037) để thành phố sử dụng phục vụ tái định cư cho các dự án trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Số lô đất trên là đất ở đô thị đã đầy đủ hạ tầng kỹ thuật.
Năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, giao UBND thành phố Thanh Hóa bổ sung quỹ đất cho dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc, thành phố Thanh Hóa (mặt bằng quy hoạch 371), kinh phí thực hiện từ ngân sách để bổ sung quỹ đất ở. Đồng thời yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa bàn giao cho Tập đoàn Đông Á trước ngày 30/11/2019.
Ngày 14/11/2023, Tập đoàn Đông Á có công văn về việc đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa bàn giao quỹ đất ở thuộc mặt bằng quy hoạch 371 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, UBND thành phố Thanh Hóa vẫn chưa có văn bản trả lời dẫn tới việc Tập đoàn Đông Á khởi kiện. Sau đó vụ kiện đã bị tạm đình chỉ.
Trong khi đó, dự án có quy mô khủng nhất của Tập đoàn Đông Á là Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn lại vướng lùm xùm chậm triển khai. Dự án này được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 vào ngày 08/4/2017.
Dự án được thực hiện tại phường Trường Sơn và phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa với quy mô sử dụng đất khoảng 60,46 ha. Quy mô xây dựng gồm khoảng 256 căn nhà biệt thự, 1.000 phòng khách sạn, khu dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí phục vụ cho khoảng gần 10.000 người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP. Sầm Sơn.
Tổng vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng, tiến độ thi công dự án gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: thi công hạ tầng kỹ thuật trong 04 năm (từ Quý I/2018 đến Quý IV/2021) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.200 tỷ đồng; Giai đoạn 2 thi công công trình kiến trúc trong 6 năm (từ năm 2020 đến năm 2026) với tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.
Ngày 25/07/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao 125.577m2 đất đợt 1 và đến ngày 27/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giao 45.151,5m2 đất đợt 2 cho Tập đoàn Đông Á để thực hiện dự án trên.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, dự án mới chỉ dừng lại ở khâu san lấp mặt bằng, ép cọc chống biển lấn.
Trong số các dự án của Tập đoàn Đông Á, dữ liệu của PV ghi nhận hồi tháng 12/2023, tập đoàn đã đem “khu du lịch sinh thái cao cấp của Trường Lệ, Phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn” làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ong-chu-tap-doan-dong-a-cao-tien-doan-so-huu-loat-du-an-nghin-ty-toa-bach-dinh-5ha-chu-tich-doi-bong-thanh-hoa-188240807110140163.chn