Chuyển đổi số, ứng dụng IoT, AI… đã không còn dừng lại là khẩu hiệu, mà đang và sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tồn tại, phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Cùng sự tăng tốc của Chính phủ, bức tranh số hoá của nước ta 2 năm trở lại đây được đánh giá là “lột xác”.
Với tiềm năng hiện hữu về cơ cấu dân số vàng, tỷ lệ dùng điện thoại thông minh và mua sắm trực tuyến cao… thị trường công nghệ chứng kiến sự sôi động không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà ngày càng thu hút nhiều thương hiệu quốc tế đổ về.
Ghi nhận góc nhìn của quốc tế về mức độ số hoá của Việt Nam, ông Nilesh Jain, Phó Chủ tịch Trend Micro khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, nhận định ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam hiện là một thị trường đầy tiềm năng trong khu vực. Đặc biệt, thời gian qua, Chính phủ có những chính sách tăng tốc, hỗ trợ cho các bộ ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia chuyển đổi số.
So với các nước trong khu vực, tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam vào loại nhanh nhất. Chính phủ đang muốn rút ngắn thời gian ứng dụng các giải pháp công nghệ vào quản trị, tăng cường chuyển đổi số ở tất cả các ngành, doanh nghiệp và mang lại nhiều tiện ích, trải nghiệm số, thương mại điện tử cho người dân.
“Nếu như Singapore, Australia cần đến 10 năm để phát triển thị trường kinh tế số còn hiện nay, Việt Nam chỉ cần khoảng 3 năm là có thể rút ngắn khoảng cách này”, ông Nilesh Jain đặc biệt nhấn mạnh tại buổi công bố CTCP Phân phối Việt Nét (VietNet) là nhà phân phối mới của Trend Micro tại Việt Nam.
Theo khảo sát gần đây của Trend Micro, hầu hết các doanh nghiệp tin rằng chuyển đổi số để giảm chi phí. Đầu tư năng lực số để thấu hiểu nhu cầu khách hàng và quản lý hàng tồn kho nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, tăng cường khả năng phục hồi trước biến động. Đồng thời, chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp đón đầu các xu hướng và dự trù chi phí từ các mô hình kinh doanh mới (ví dụ cá nhân hóa tiêu dùng) bằng việc quản trị hệ thống dữ liệu hiệu quả…
Về phía đối tác Việt, ông Lê Tuấn Đạt, CEO VietNet, cũng cho thấy sự tự tin khi trở thành đối tác Trend Micro. Theo ông, VietNet có đủ khả năng cung cấp các giải pháp công nghệ và dịch vụ an ninh thông tin trong các lĩnh vực thế mạnh như khối chính phủ, tài chính ngân hàng và sản xuất. Và với lĩnh vực này, công ty Việt Nam như VietNet hoàn toàn có thể sớm ra thị trường nước ngoài như Phnom Penh (Cambodia), Singapore (Singapore), Kuala Lumpur, Penang (Malaysia)…
Còn quan điểm của ông Trần Đặng Minh Trí – Đồng sáng lập Annalise.Ai – thể hiện: “Theo kinh nghiệm quốc tế thì để ứng dụng thành công những công nghệ tự động hoá như AI và IoT thì cần có hai bước đi trước, đó là chuẩn hoá quy trình và số hoá dữ liệu. Hiện nay theo mình thấy thì ngành y tế Việt Nam, trong cả khối công và tư, đều đang đầu tư cho việc chuẩn hoá quy trình theo những bộ tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước, và từng bước ứng dụng số hoá qua bệnh án điện tử”.
Annalise.ai là một công ty AI toàn cầu về chẩn đoán hình ảnh của Australia. Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với Annalise.ai vì có đội ngũ bác sĩ địa phương giỏi chuyên môn và ngày càng nhận được nhiều các khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Trí, đây là những bước đi đúng và quan trọng để làm nền tảng cho việc ứng dụng tự động hoá trong tương lai. Đặc biệt, ở Việt Nam đã có những cơ sở y tế sẵn sàng ứng dụng AI, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh vì hầu hết dữ liệu đã được số hoá và lưu trữ trong hệ thống quản lý hình ảnh PACS chuyên dụng.
Sâu hơn, với điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, tại hội thảo mới đây đại diện VNG cho biết Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phát triển nhanh nhất trên thế giới, đặc biệt là sau khi ngành Cloud và Data Center được xác định chính là trụ cột của quá trình chuyển đổi số. Trong chiến lược xây dựng Hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp Việt sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do các đơn vị trong nước cung cấp…
VNG hiện là mà một trong những công ty công nghệ tại Việt Nam. Công ty đã xây dựng VNG Data Center – là 1 trong 3 trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Uptime Tier III tại Việt Nam cả về thiết kế và hạ tầng, được trang bị đầy đủ các thiết bị cơ điện, mạng, bảo mật được nhập khẩu từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp.
“Chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng dữ liệu thông tin là nguồn nhiên liệu mới để thúc đẩy nền kinh tế. Cùng với những chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, mạng lưới hạ tầng trung tâm dữ liệu cung ứng cho doanh nghiệp sẽ là “xương sống” của nền kinh tế số”, ông Gary McKinnon – Giám đốc Phát triển Kinh doanh, VNG Digital Business – chia sẻ thêm.
Thị trường nội dung số Việt Nam thu hút “ông lớn” ngoại