Tháng 2/2017, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản chỉ đạo NPT thành lập Công ty Dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS), với mục tiêu: Tách bạch và chuyên môn hóa công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải với các hoạt động dịch vụ sửa chữa. Nhiệm vụ chính của NPTS là tham gia các hoạt động thí nghiệm định kỳ, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và xử lý sự cố.
Với mô hình nêu trên, EVN muốn NPTS phải tách bạch được việc hạch toán chi phí dịch vụ kỹ thuật với khâu quản lý vận hành lưới điện. Đồng thời phải tách bạch quỹ tiền lương của NPTS với quỹ tiền lương sản xuất kinh doanh điện.
Sau một thời gian chuẩn bị “bộ khung”, tháng 6/2017, NPTS với 681 con người đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây mà PLVN có được, sau hơn 6 năm tồn tại, một số mục tiêu đề ra ban đầu đã không thành hiện thực, trong khi bộ máy của NPTS đã “phình” lên trên 1.000 người.
Các kỳ vọng trong lĩnh vực tài chính khi đề xuất hoạt động theo mô hình này đến nay cũng không đạt được, đó là: Chưa tách bạch được chi phí khâu dịch vụ kỹ thuật với khâu quản lý vận hành.
Trong thời gian hoạt động, chế độ tiền lương của người lao động có xu hướng tăng dần theo từng năm, nhưng thực chất vẫn hưởng lương từ quỹ sản xuất kinh doanh điện dù người lao động đã, đang làm việc trong khối dịch vụ kỹ thuật.
Cái được về mặt kỹ thuật ở đây là đã tách bạch bạch và chuyên môn hóa được công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải với hoạt động dịch vụ sửa chữa. Công tác quản lý thí nghiệm và sửa chữa sau một thời gian cơ bản thống nhất được trong toàn NPT…
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của EVN, NPT mới đây đã khái quát một “bức tranh” khá trung thực về hiện trạng của NPTS, đồng thời “Tổng” này cũng đề xuất phương án cơ cấu lại NPTS theo hướng chuyển một số chức năng (thí nghiệm, sửa chữa lưới điện, viễn thông và vận tải…) về các công ty truyền tải điện (PTC) thuộc NPT.
Còn NPTS có thể sẽ được đổi tên và chỉ thực hiện các nhiệm vụ về công nghệ thông tin, tự động hóa và nghiên cứu khoa học.
Được biết, ngoài NPT, 5 tổng công ty phân phối điện lực thuộc EVN (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Hà Nội, TP.HCM) sau đó cũng thành lập các công ty dịch vụ điện lực trên cơ sở chuyển đổi mô hình các công ty lưới điện cao. EVN cũng đồng thời thành lập một đơn vị hạch toán phụ thuộc, hoạt động trong lĩnh vực này, mang tên Trung tâm Dịch vụ sửa chữa (EVNPSC).
Sau 6 năm hoạt động, không ít đơn vị trong số này đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Nguồn tin: https://cafef.vn/se-thay-ten-doi-ho-mot-doanh-nghiep-nganh-dien-188240308092132032.chn