Lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD vào năm 2022. Chỉ tính riêng trên YouTube, số liệu trong năm 2022 cho biết số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng.
Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký) và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký). Những con số biết này thể hiện tiềm năng và quy mô ngành sáng tạo nội dung tại Việt Nam hiện nay.
Sáng tạo nội dung đang là “mỏ tiền” trong nền kinh tế số hiện nay?
Và với sự bùng nổ đi cùng cách mạnh 4.0, nhiều ý kiến cho rằng sáng tạo nội dung đang là “mỏ tiền” trong nền kinh tế số hiện nay. Dưới góc nhìn người trong cuộc, bà Thảo Ngô, Giám đốc khu vực (Country Head) của Thoughtful Media Group (TMG) Việt Nam, không phủ nhận.
“Thực tế, chúng tôi cho rằng ngành sáng tạo nội dung phát triển nhanh chóng và vượt bậc mỗi ngày đang là cơ hội cũng như thách thức lớn cho agency cũng như nhãn hàng ”, bà Thảo Ngô nói.
Đây cũng chính là lý do SoPa đã chọn thị trường Việt Nam là một trong những thị trường chính để đặt nền móng mở rộng và phát triển TMG sau quá trình mua lại.
TMG thành lập từ năm 2010, là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai nền tảng hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung (multi-channel network) ở thị trường châu Á. TMG kết nối các nhà sáng tạo nội dung, giúp phát triển các kênh, định hướng nội dung cũng như thiết lập các chiến dịch quảng cáo giữa họ và các thương hiệu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau khi được Sopa (đơn vị cũng đình đám với thương vụ mua lại nền tảng TMĐT Leflair Việt Nam) mua lại vào tháng 8/2022, TMG sau đó được cấu trúc và phát triển thành một hệ sinh thái quảng cáo tích hợp đầy đủ và ưu tiên kỹ thuật số.
Chiến lược kinh doanh của TMG thời gian tới theo đại diện là hỗ trợ thúc đẩy các nhà sáng tạo nội dung số. Thông qua các kết nối mang tính mạng lưới của TMG, từ đó khai thác các giá trị thương mại từ nền tảng với những chiến lược, phương thức quản trị số hiệu quả cùng các nội dung tiếp thị số cấp tiến.
Nói về tham vọng xa hơn, TMG muốn trở thành nền tảng quảng cáo kỹ thuật số khu vực (Creator Economy). Hiện, mạng lưới của TMG gồm những người sáng tạo trong nhiều ngành ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.
Chọn Việt Nam là thị trường trọng điểm
Về công ty mẹ là Sopa (Society Pass), được biết đến là công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ và hiện hoạt động chính tại Việt Nam. Giai đoạn 2021-2022, Sopa liên tục thực hiện nhiều thương vụ M&A đáng chú ý.
Đơn cử, năm 2021, Sopa bất ngờ mua lại sàn TMĐT Leflair, sau khi hai founder cũ của sàn này vướng phải lùm xùm công nợ với 500 nhà cung cấp Việt Nam. Lúc bấy giờ, chia sẻ với chúng tôi về động thái M&A này, đại diện Sopa tại Việt Nam cho biết: “Thương vụ mua lại Leflair được Society Pass thực hiện nhằm thông qua sự nhận biết của người tiêu dùng để lấn sân vào phân khúc tiêu dùng cao cấp Việt Nam”.
Cũng từ thời điểm này, Sopa cho thấy những tham vọng lớn hơn tại Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái bán lẻ. Sang năm 2022, Sopa tiếp tục mua lại Công ty TNHH Thương mại Không gian Mơ (Dream Space) của Handycart, hoạt động trực tuyến trong lĩnh vực dịch vụ giao hàng tạp hóa có trụ sở tại Hà Nội. Và mới nhất là đưa thương hiệu TMG vào Việt Nam trong năm nay.
Với loạt động thái M&A, để đáp ứng nguồn vốn đầu tư, cuối tháng 11/2021, Sopa niêm yết sàn Nasdaq (Mỹ) với giá khởi điểm 48,59 USD, cao hơn 440% so với giá IPO (là 9 USD). Dù vậy, kể từ lúc đó thị giá Sopa cũng liên tục sụt giảm, hiệ chỉ còn khoảng 1 USD/cp.