Vinasoy vừa có buổi trao đổi với các hộ nông dân, nhằm triển khai chương trình liên kết sản xuất đậu nành tại Cư Jut năm 2023 tại Hợp tác xã sản xuất đậu nành Nam Dong, Cư Jut. Tham dự có những hộ nông dân có diện tích sản xuất ổn định và đạt năng suất cao trên 3 tấn/ha trong năm 2022.
Chương trình này diễn ra sau sự cố lô sữa đậu nành Fami Canxi xuất đi Nhật bị yêu cầu tiêu huỷ do nghi nhiễm vi khuẩn Coliforms. Ngay sau đó, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã trả kết quả kiểm định âm tính cho mẫu lưu đối chứng của lô hàng sữa đậu nành này, kết quả khẳng định mẫu sữa đậu nành Fami Canxi không nhiễm vi khuẩn Coliforms.
Vinasoy được biết đến là thương hiệu thuộc công ty Đường Quảng Ngãi (QNS), hiện đứng đầu ngành hàng sữa đậu nành đóng hộp tại Việt Nam trong 10 năm liền (Theo Nielsen); nằm trong Top 5 danh sách các công ty sữa đậu nành hàng đầu thế giới liên tục 4 năm liền (theo Global Data).
Sản phẩm Công ty đang xuất đi 10 thị trường trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Canada. Riêng tại thị trường Nhật, sản phẩm Vinasoy đã có mặt hơn 3 năm, và được phân phối vào 80 siêu thị Don Quijote của Nhật.
Lợi thế nhất lớn nhất của Vinasoy trong mảng sữa hạt là vùng nguyên liệu và ngân hàng giống đậu nành. Trong đó, huyện Cư Jút được chọn là vùng nguyên liệu trọng điểm đầu tiên của Vinasoy, đang có diện tích đậu nành lớn nhất tỉnh Đắk Nông cũng như Tây Nguyên.
Vinasoy cũng lựa chọn Cư Jút để thành lập Trạm khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên – địa điểm nghiên cứu chọn tạo giống, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác để phát triển giống đậu nành Vinasoy 02-NS không biến đổi gien cho các vùng nguyên liệu trên cả nước.
Theo đại diện Vinasoy, lợi thế về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, Cư Jút có thể gieo trồng thử nghiệm được 3 vụ đậu nành trong năm, giúp việc triển khai đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, rút ngắn được thời gian so chọn tạo ra giống đậu nành mới.
Với những lợi thế trên, sữa đậu nành là sản phẩm đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của công ty mẹ QNS năm 2022 khi đem về 4.305 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52%. Đây cũng là mảng có biên lãi gộp lớn nhất với 40,7% tương ứng lợi nhuận gộp đạt gần 1.752 tỷ đồng. Theo sau là các sản phẩm đường với doanh thu gần 1.800 tỷ đồng và biên lãi gộp 20,9%.
Ngược lại, mảng sữa đậu nành cũng được QNS chú trọng đầu tư với tổng công suất 390 triệu lít/năm. Doanh nghiệp hiện có 3 nhà máy đặt tại: Bắc Ninh (công suất 180 triệu lít/năm), Quảng Ngãi (công suất 120 triệu lít/năm) và Bình Dương (công suất 90 triệu lít/năm). Sản lượng sữa đậu nành tiêu thụ trong năm 2022 đạt 265 triệu lít giảm 2% so với năm 2021.
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa công bố, QNS đặt mục tiêu doanh thu 8.400 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 1.008 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với thực hiện năm 2022.
Công ty cũng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cp). Với gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, QNS dự kiến sẽ chi hơn 535 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thanh toán từ ngày 27/4/2023.
Trước đó, QNS đã 2 lần tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ 15% bằng tiền, lần lượt vào tháng 9/2022 và 1/2023. Như vậy, cổ đông của QNS sẽ nhận được tổng mức cổ tức cho năm 2022 là 30% bằng tiền (3.000 đồng/cp).
QNS là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cao hàng năm. Kể từ khi lên sàn năm 2016, chưa năm nào doanh nghiệp này quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, con số thường xuyên dao động trong khoảng 25-30%.