Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình mới đây đã ký Quyết định số 759 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo hướng hai cấp.
Theo đề án này, TP. HCM sẽ được hợp nhất với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương. Đây được xem là một bước đi chiến lược nhằm tạo ra dư địa phát triển rộng lớn hơn cho TP. HCM trong tương lai.
Sau khi sáp nhập, TP. HCM sẽ có diện tích khoảng 6.772,6km², dân số hơn 13,6 triệu người, trở thành địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Thành phố cũng định hướng trở thành một siêu đô thị với mô hình đặc biệt.
TP. HCM sẽ là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước sau sáp nhập
Việc hợp nhất ba địa phương tạo ra một không gian phát triển rộng lớn, quy tụ nhiều tiềm năng và thế mạnh, giúp TP. HCM tổ chức lại cơ cấu phát triển hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia.
Việc sáp nhập còn giúp mở rộng tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch. Bà Rịa – Vũng Tàu với vị trí ven biển chiến lược sẽ tạo điều kiện để TP. HCM đẩy mạnh khai thác không gian biển và kết nối các tuyến du lịch ven bờ.
>> Bộ Nội vụ hé lộ lý do tỉnh lớn nhất cả nước ‘không thuộc’ diện sáp nhập
Siêu cảng Cần Giờ sẽ là “điểm nhấn” kinh tế của TP. HCM
Việc liên kết Nhà Bè, Cần Giờ và Vũng Tàu mở ra cơ hội phát triển các ngành kinh tế biển. Trong vòng 10 năm tới, hạ tầng như cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị, cầu vượt biển và giao thông thủy sẽ hoàn thiện, tạo đà phát triển toàn diện cho thành phố.
Thành phố mở rộng cũng có điều kiện phát triển vùng đệm, dự trữ sinh thái và mô hình tăng trưởng xanh, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn bền vững.
Nhờ những lợi thế mới, TP. HCM sẽ thu hút tốt hơn các nguồn lực quốc tế, khôi phục vị thế đầu tàu kinh tế, hướng tới đóng góp gần 1/3 GDP quốc gia. Không gian mở rộng cho phép thành phố quy hoạch bài bản hơn, xử lý các điểm nghẽn hạ tầng, không gian đô thị và thu hút FDI hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Vùng trung tâm có thể tập trung phát triển dịch vụ cao cấp; TP. Thủ Đức và khu vực giáp ranh Bình Dương sẽ là trung tâm công nghệ và giáo dục. Khi các khu công nghiệp tại Bình Dương tích hợp vào thành phố, sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp linh hoạt, hỗ trợ tái cấu trúc các khu công nghiệp nội đô và mở rộng quỹ đất cho dịch vụ chất lượng cao.
Về lâu dài, sự kết hợp giữa TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ giúp khai thác tối đa nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế cả nước.
>> 4 tuyến đường sắt chính của Việt Nam: Lộ diện 21 nhà ga trọng điểm
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/sau-sap-nhap-thanh-pho-nay-se-la-sieu-do-thi-tro-thanh-dia-phuong-co-quy-mo-kinh-te-lon-nhat-ca-nuoc-211940.html