Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, tương tự như nhiều ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam, ngành gỗ cũng ghi nhận sụt giảm mạnh đơn hàng. Tác động của lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ từ các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ thắt chặt, việc phát triển đơn hàng của doanh nghiệp hết sức khó khăn. Trong khi đó, thị trường bất động sản trong nước gần như đóng băng cũng làm cho nhu cầu gỗ nội thất giảm mạnh. Ngoài ra, chi phí nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh toàn ngành gỗ.
Nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm kém khả quan, sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) cho biết trước những tác động tiêu cực từ thị trường nột thất và bất động sản, doanh thu quý II giảm 38% xuống 388 tỷ đồng. Điều này khiến cho tập đoàn bị lỗ ròng gần 28 tỷ đồng, mức lỗ đậm nhất tính từ quý I/2021. Lũy kế nửa đầu năm, TTF lỗ 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 11 tỷ đồng.
Gỗ An Cường (HoSE: ACG) thông tin doanh thu quý II ở thị trường trong nước và xuất khẩu đều có sự phục hồi so với trước đó, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm 9% xuống 968 tỷ đồng. Biên lãi gộp không có nhiều biến động nhưng chi phí bán hàng và quản lý tăng khiến lợi nhuận ròng có mức giảm mạnh hơn doanh thu xuống 109 tỷ đồng, giảm 31%.
So với quý I, doanh thu quý II phục hồi 42% và lợi nhuận gấp 3. Tuy nhiên, trong chu kỳ kinh doanh của Gỗ An Cường, quý I là quý thấp điểm nhất nên chưa thể nói thị trường có thực sự phục hồi hay chưa (riêng quý III/2021 giảm đột ngột do ảnh hưởng của cao điểm dịch bệnh tại miền Nam).
Lũy kế 6 tháng, công ty của doanh nhân Lê Đức Nghĩa ghi nhận doanh thu giảm 14% xuống 1.648 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm phân nửa xuống 145 tỷ đồng.
Công ty lý giải chi phí bán hàng và quản lý tăng do kế hoạch phát triển chuỗi phân phối tại thị trường trong nước và liên tục giới thiệu sản phẩm mới. Tính đến cuối tháng 6, Gỗ An Cường có 120 địa điểm kinh doanh tại 58 tỉnh thành cả nước, trong đó có 16 showroom tự sở hữu và vận hành.
Theo Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (HNX: VIF), tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới, nhu cầu về sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu và nguyên liệu cho đồ gỗ nội thất trong nước sụt giảm. Do vậy, doanh thu tổng công ty quý II giảm 34% xuống 323 tỷ đồng; lãi ròng giảm 70% xuống 33 tỷ đồng do một số đơn vị thành viên báo lỗ. Lũy kế, doanh thu giảm 24% và lợi nhuận giảm 43%.
Theo BCTC quý II, doanh thu Gỗ Thuận An (HoSE: GTA) giảm đến 70% xuống 56 tỷ đồng do gặp khó về đơn hàng, giá sản phẩm đầu ra giảm; lãi sau thuế vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng, giảm 56% so với quý II/2022. Dù vậy, đây là kết quả khả quan nhất trong 3 quý gần đây của doanh nghiệp. Nửa năm, Gỗ Thuận An báo doanh thu giảm 64% xuống 115 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 57% xuống 4,7 tỷ đồng.
Không chỉ doanh nghiệp gỗ nội thất, đơn vị chuyên sản xuất đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em như Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) cũng ghi nhận sự sụt giảm trên 30% doanh thu xuống 89 tỷ đồng quý II, lãi ròng giảm 67% xuống 8 tỷ đồng. 6 tháng, doanh thu GDT đạt 152 tỷ đồng và lợi nhuận 15,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 36% và 65% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp chia sẻ đã phải giảm giá bán cho khách hàng trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí phải nhận những đơn hàng lợi nhuận gần như bằng 0 để tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Với kết quả kém tích cực nửa đầu năm, đa phần doanh nghiệp gỗ mới hoàn thành khoảng 20% – 30% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm. Riêng Gỗ Thuận An với kế hoạch lãi sau thuế khiêm tốn 10,7 tỷ đồng, tương đương thực hiện 2022 thì đã đạt 56% kế hoạch sau nửa chặng đường. Gỗ Trường Thành bị lỗ 39 tỷ đồng và sẽ phải nỗ lực rất nhiều nếu muốn hoàn thành mục tiêu có lãi 54 tỷ đồng cả năm.
Tín hiệu khả quan nửa cuối năm
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý II có xu hướng phục hồi so với quý đầu năm nhưng vẫn giảm đáng kể so với cùng kỳ 2022. Cụ thể, kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,3% so với quý I và giảm 26,7% so với quý II/2022. Tính chung 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, giảm 28,4%; riêng sản phẩm gỗ 4,13 tỷ USD, giảm 32,4%.
Bước sang tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng 2,8% so với tháng 6 khi đạt 1,12 tỷ USD. Bộ Công Thương đánh giá mức tăng liên tiếp trong tháng 6 và tháng 7 cho thấy ngành gỗ đang có dấu hiệu phục hồi. Một số doanh nghiệp trong ngành gỗ đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới, đây là tín hiệu tích cực đối với ngành này.
Ngoài ra, do tồn kho hàng hoá tại các khu vực lớn như châu Mỹ, đặc biệt là tại thị trường Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Trong cơ cấu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ luôn là thị trường lớn nhất. Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ 3,3 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm, chiếm tỷ trọng 54% kim ngạch. Theo Bloomberg, hoạt động xây dựng nhà mới ở Mỹ tuy giảm trong tháng 6 sau khi tăng liên tục những tháng trước nhưng vẫn cho thấy các công ty xây dựng đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống do lượng nhà có sẵn thiếu hụt. Xuất khẩu vào thị trường này tăng được kỳ vọng góp phần thúc đẩy ngành gỗ phục hồi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những trở ngại mà ngành gỗ vẫn đang đối mặt như áp lực về điều tra phòng vệ thương mại; vấn đề chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của mặt hàng này.
Với thị trường trong nước, việc tiêu thụ sản phẩm gỗ phụ thuộc lớn và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Hiệp hội bất động sản Việt Nam dự báo thị trường bất động sản còn trầm lắng cho đến hết 2023, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn từ quý II hoặc III/2024. Động lực đến từ bước tiến về môi trường pháp lý, tăng trưởng kinh tế và nút thắt tài chính được tháo gỡ…
Mặc dù kết quả kinh doanh ảm đạm nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc và tín hiệu khả quan nửa cuối năm, một vài cổ phiếu ngành gỗ cũng có bước tăng giá đáng kể. Cổ phiếu ACG ghi nhận tăng từ 35.600 đồng/cp lên 44.350 đồng/cp từ cuối tháng 6 đến nay. Cổ phiếu TTF phục hồi từ 4.660 đồng/cp lên 5.820 đồng/cp trong 3 tháng qua. Cùng thời gian, cổ phiếu VIF tăng từ vùng 14.000 đồng/cp lên 18.100 đồng/cp.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ngành gỗ không nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Ngoài trừ TTF có thanh khoản cao vài triệu đơn vị mỗi phiên thì các cổ phiếu khác chỉ có thanh khoản từ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị.