Lazada, nền tảng thương mại điện tử lớn tại Đông Nam Á, đã ghi nhận chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) dương lần đầu tiên vào tháng 7/2024. Đây là dấu mốc quan trọng phản ánh sự hiệu quả trong chiến lược kinh doanh và tối ưu hóa hoạt động của công ty.
Theo thông tin từ trang Morning Star ngày 13/8, Lazada đã đạt EBITDA dương nhờ vào việc nâng cấp nền tảng và tối ưu hóa quy trình vận hành. Dù Alibaba Holding, công ty mẹ của Lazada, chưa công bố chi tiết cụ thể về chỉ số này, nhưng họ khẳng định rằng mức lỗ trên mỗi đơn hàng của Lazada đã giảm đáng kể nhờ tăng doanh thu và giảm chi phí hậu cần.
Trong quý I/2024, mảng thương mại điện tử của Alibaba Holding, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol, Alibaba và Daraz, đã đạt doanh thu 27,45 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,8 tỷ USD), tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tập đoàn Alibaba đạt mức tăng trưởng doanh thu 7%. Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Alibaba đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Đông Nam Á, nơi Lazada đang hoạt động mạnh mẽ.
Lazada ra đời từ năm 2012 và được Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc đã mua lại vào năm 2016. Sàn thương mại điện tử này có trụ sở chính tại Singapore và hiện diện tại 6 quốc gia Đông Nam Á, đặt mục tiêu phục vụ 300 triệu khách hàng vào năm 2030. Ông James Dong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada, cho biết việc đạt EBITDA dương là minh chứng cho sự hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của công ty, bao gồm ba trụ cột chính: ứng dụng AI và công nghệ, phát triển tiếp thị trực tuyến kèm ưu đãi cho người dùng, và tối ưu hóa logistics.
Văn phòng Lazada tại Việt Nam
>>Thị trường TMĐT: Tiktok Shop tăng trưởng 150%, Lazada, Tiki, Sendo đồng loạt lao dốc
Lazada đã đầu tư mạnh vào các công nghệ tiên tiến như AI để hỗ trợ người bán tiếp cận khách hàng, tăng doanh số. Đơn vị cũng phát triển cộng đồng nhà bán hàng thông minh thông qua Học viện Lazada, nơi cung cấp các chương trình đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn cho hàng triệu người bán. Theo thống kê, hơn 600.000 nhà bán hàng tại Đông Nam Á đã sử dụng các dịch vụ tài trợ của Lazada và đạt được ROI (tỷ lệ lợi nhuận) tăng gấp 10 lần.
Về phía người mua, Lazada liên tục cải tiến chính sách ưu đãi, bao gồm giảm giá và cho phép trả hàng trong vòng 30 ngày đối với các sản phẩm thuộc LazMall và Choice. Ngoài ra, đơn vị cũng triển khai dịch vụ đồng kiểm từ tháng 8/2024 để gia tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
Lazada cũng đầu tư vào hệ sinh thái logistics toàn diện, từ quản lý tồn kho, thu gom hàng hóa, đến vận chuyển và giao hàng toàn quốc. Năm 2023, Lazada đã khánh thành trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao tại KCN Sóng Thần 1, Bình Dương, với diện tích gần 20.000 m2, có khả năng xử lý một triệu bưu kiện mỗi ngày, và đạt mức độ tự động hóa lên tới 99% nhờ vào hệ thống AI và Machine Learning.
Trong bối cảnh thị trường Đông Nam Á ngày càng cạnh tranh, với sự xuất hiện của các đối thủ như Shopee, TikTok Shop, và Temu, Lazada đã phải điều chỉnh chiến lược để duy trì sức cạnh tranh. Công ty đã tiến hành một đợt sa thải lớn nhằm tiết giảm chi phí và tăng cường tính linh hoạt trong tổ chức.
Tính đến nay, Alibaba đã đầu tư tổng cộng khoảng 7,7 tỷ USD vào sàn thương mại điện tử này, tương đương gần 1 tỷ USD mỗi năm.
>> Có tới 9 thương hiệu ngoại trong Top 10 doanh thu TMĐT Việt Nam 6 tháng đầu năm
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/sau-12-nam-lan-dau-tien-lazada-ghi-nhan-ebitda-duong-151023.html