Gia nhập cuộc chiến về giá, Di động Việt vừa lên chiến dịch “RẺ HƠN CÁC LOẠI RẺ”. Trong khi trước đó, ngày 28/4/2023 sau khi Thế giới Di động mở màn với “GIÁ RẺ QUÁ”, FPT Shop nhanh chóng phản công: “RẺ HƠN CẢ RẺ QUÁ”.
Di động Việt được biết đã hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm công nghệ. Dù vậy, so với FPT Shop và Thế giới Di động vẫn còn khá khiêm tốn về độ phủ cũng như độ nhận biết.
Do đó, chiến dịch “RẺ HƠN CÁC LOẠI RẺ” này gây chú ý khi đối đầu trực diện với 2 đàn anh trong ngành. Trong khi ở chia sẻ với báo giới mới đây, CEO là ông Nguyễn Ngọc Đạt tuyên bố “Di Động Việt không cạnh tranh bằng giá, mà cạnh tranh bằng giá trị”.
Cần nhấn mạnh, cuộc chiến về giá theo các bên là không có lợi cho cả doanh nghiệp, người dùng và thị trường. Đại diện một thương hiệu điện tử lớn nêu quan điểm, quả thực khách hàng được lợi từ cuộc chiến giá này, nếu chỉ xét tới yếu tố về giá. Tuy nhiên, xét tổng quan về trải nghiệm Khách hàng thì có thể là “không”.
Theo số liệu mà thương hiệu này cung cấp, tổng quan quý 1/2023, toàn bộ thị trường điện thoại Việt Nam giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng viễn thông di động chứng kiến sự suy giảm 25-35%.
Trong đó, “ông lớn” là MWG đang giảm nhiều hơn so với thị trường. Hệ quả, nhìn về lợi nhuận, MWG sụt giảm hơn 90%. Giải thích cho việc này, MWG nói là tập trung vào việc “chiến giá” để đem tới giá tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế MWG đang giảm nhiều hơn mức giảm của thị trường. Nếu vậy, không thể nói cuộc chiến này đang đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Chưa kể, MWG đã cắt giảm khoảng 9.000 nhân viên, nhiều bộ phận và nhân viên phải thực hiện theo chiến dịch “đồng lòng chiến giá” và cắt giảm lương từ 10-100% lương, tùy vị trí. Và xét về lâu dài, khi toàn bộ bộ máy cắt giảm, người lao động không còn được đảm bảo về cuộc sống, phải chăng cuộc chiến “giá rẻ” không hỗ trợ khách hàng được trải nghiệm một dịch vụ đầy đủ và an toàn nữa.
Ở diễn biến khác, giữa “cơn bão” sales khiến giá iPhone theo nhận định là thấp nhất thế giới, thậm chí tiếp tục giảm, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến được nhận định là đòn giáng lớn hơn cho doanh nghiệp bán lẻ ICT hiện nay.
Trong khi FPT Shop tự tin với lợi thế hiện nay là “giao hàng nhanh chỉ từ 30 phút” và “phương thức thanh toán đa dạng phong phú linh hoạt”, thì đại diện Thế giới Di động là ông Nguyễn Đức Tài cũng nhấn mạnh: “Tôi không tin một vài cửa hàng apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, để phục vụ khách hàng”.
Theo ông Tài, đây không phải điều gì mới mẻ mà là một bước đi bình thường của Apple khi họ tập trung vào một thị trường nào đó. Cụ thể, khi tập trung vào Việt Nam, Apple sẽ cần xây dựng thương hiệu, các cửa hàng của Apple sẽ mở ra chỉ với mục đích làm thương hiệu.
“Bao nhiêu năm qua Apple không hề có khái niệm quảng cáo trên tivi, trên youtube. Giờ các bạn thấy rồi, và đó là dấu hiệu tốt, cho thấy họ quan tâm đến thị trường này. Khi Apple tập trung vào thị trường nào thì thị trường đó sẽ phát triển và điều đó sẽ tốt cho người tiêu dùng. Vậy khi họ tập trung thì họ làm gì? Họ phải có website cho tử tế, họ phải có cách để tiếp cận với khách hàng…”, đại diện MWG nói.
Đồng quan điểm, phía CellphoneS cũng cho rằng cuộc chiến online-offline chưa đáng lo ngại. Hiện, tỷ trọng doanh số online của các chuỗi hiện giờ đang ở mức trung bình 15 – 20%. Như vậy, mức ảnh hưởng của cửa hàng chính hãng online của hãng sẽ phụ thuộc nhiều vào mức giá bán các sản phẩm của trang so với các nhà bán lẻ lớn trên thị trường hiện tại.
Ngược lại, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường Việt Nam. Apple Store trực tuyến tại Việt Nam sẽ đưa ra một khung giá chuẩn chỉnh, có thể làm cơ sở tham chiếu, đặc biệt trong bối cảnh giá bán sản phẩm Apple đang biến động liên tục tại Việt Nam. Động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.