Ngày 9/5 vừa qua, Ban Quản lý khu kinh tế Thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng cho Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 12.793 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) khoảng 1.919 tỷ đồng; vốn huy động khoảng 10.874 tỷ đồng.
Quy mô dự án bao gồm: Đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m), tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 1 bến sà lan dài 200m, tiếp nhận sà lan sức chở 160 Teus; hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 79,86ha (bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải khoảng 22,33ha).
Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm; tiến độ thực hiện dự án là 5 năm (2023 – 2027).
Tân cảng Sài Gòn là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, trực thuộc Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng; là Công ty TNHH một thành viên, Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ. Tân cảng Sài Gòn hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 trụ cột chính: Khai thác cảng biển, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển, trong đó khai thác cảng là ngành chủ đạo.
Tân Cảng Sài Gòn hiện đang quản lý, điều hành 8 cảng container (trong đó có 3 cảng container hiện đại, lớn nhất Việt Nam), chiếm 55% thị phần container xuất nhập khẩu của cả nước.
Tổng công ty xếp thứ 17 Cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới, xếp thứ 5 doanh nghiệp uy tín ngành Logistics Việt Nam; là 1 trong 7 doanh nghiệp nhà nước được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nghiên cứu thí điểm trong Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường cho thị trường.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ phát lệnh xuất khẩu những container đầu Xuân Quý Mão 2023 tại cảng Tân Cảng Cát Lái, thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hướng tới mục tiêu trở thành “Tập đoàn kinh tế-quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics; thương hiệu uy tín, chất lượng toàn cầu”.
Năm 2022, tổng sản lượng container thông qua các cảng thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn đạt hơn 9,27 triệu Teu container (tương đương 130 triệu tấn hàng hóa), tăng 6,6% so với năm 2021. Doanh thu toàn hệ thống tăng 5,4%; đặc biệt lợi nhuận tăng mạnh 16,2%, (đạt trên 4.500 tỷ đồng); nộp ngân sách trên 1.900 tỷ đồng.
Hệ sinh thái của Tân Cảng Sài Gòn gồm 20 công ty con và 9 công ty liên kết trải dài từ Bắc đến Nam. Hiện nay, đang có 7 doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” đang có mặt trên sàn chứng khoán, hầu hết đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics.
Trong đó, bao gồm 4 công ty con là CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL), CTCP Kho vận Tân Cảng (TCW), CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST), CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB) và 3 công ty liên kết là CTCP Cảng Cát Lái (CLL), CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) và CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (PNP).
“Họ” Tân Cảng Sài Gòn trên sàn niêm yết
CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) ghi nhận doanh thu năm 2022 đạt 1.522 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế giảm 13% đạt 181 tỷ đồng chủ yếu do khoản lợi nhuận khác giảm 31 tỷ đồng. Dù vậy, công ty đã vượt 29% cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022.
Chiến lược phát triển của TOS tầm nhìn đến 2032 là tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ hàng hải ngoài khơi (offshore) ra thị trường quốc tế bằng việc thành lập các công ty liên doanh, các văn phòng đại diện và phối hợp với các đối tác tiềm năng; Tìm kiếm các vị trí chiến lược để nghiên cứu, đầu tư các cơ sở hạ tầng, bến bãi; Xây dựng cơ chế chính sách, tạo động lực cho sự phát triển cho mỗi cá nhân trong hệ thống; Tạo sự tương tác, hỗ trợ tài chính, thị trường các công ty con.
CTCP Đại lý giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng (TCL) ghi nhận trong năm 2022, doanh thu thuần công ty đạt 1.335 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 122 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 8% so với cũng kỳ; hoàn thành 107% kế hoạch doanh thu và 104% kế hoạch lợi nhuận.
Lãnh đạo công ty cho biết về kế hoạch sử dụng vốn trong vòng 5 năm, TCL sẽ triển khai 1 số dự án đầu tư, trong đó nổi bật là đầu tư kho tại ICD Tân Cảng Nhơn Trạch, và triển khai dự án tại Long Bình. Trong cuối quý 3 năm 2022, TCL đã trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 42%.
CTCP ICD Tân Cảng Long Bình (ILB) là công ty có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong 7 công ty năm 2022. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 591 tỷ đồng, tăng 11,6% và lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021, hoàn thành 110% kế hoạch doanh thu và 135% kế hoạch lợi nhuận.
Trong tháng 1 năm nay, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định công bố mở rộng cảng cạn Tân cảng Long Bình giai đoạn 1 với diện tích 24,8ha do ILB làm chủ đầu tư.
Về kết quả kinh doanh của các công ty còn lại, CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (IST) ghi nhận trong năm 2022, doanh thu thuần công ty đạt 379 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và giảm 9% so với cũng kỳ
CTCP Tân Cảng – Phú Hữu (PNP) đạt doanh thu 340 tỷ đồng, tăng 3% và lãi sau thuế 41 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5%.
Doanh thu của CTCP Cảng Cát Lái (CLL) gần như đi ngang so với cùng kỳ đạt 264 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại tăng 7% lên 96 tỷ đồng.
CTCP Kho vận Tân Cảng (TCW) ghi nhận tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đạt trên 2 chữ số trong năm 2022 với doanh thu thuần đạt 930 tỷ đồng, tăng 16% và lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, tăng gần 15%.