Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 2,33 tỷ USD, tăng 24% so với tháng 4/2022. Trong đó, mặt hàng gạo có mức tăng cao nhất là 54,5%, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 1,56 tỷ USD; giá xuất khẩu bình quân là 526 USD/tấn, cao hơn 7,6% so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu gạo bình quân trong quý 1/2023 là 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với quý I/2022 cũng như cả năm 2022, cao nhất 10 năm qua.
Dù vậy các doanh nghiệp lúa gạo lại báo lãi giảm mạnh, thậm chí nhiều công ty thua lỗ do gánh nặng chi phí lãi vay.
Theo đó, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 897,5 tỷ đồng, giảm 6%, lãi ròng 8,5 tỷ đồng, giảm 68%. TAR nhìn nhận lợi nhuận quý I giảm chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 95% so với cùng kỳ lên mức 33,5 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) ghi nhận doanh thu thuần và LNST đạt 2.531 tỷ và 106 tỷ, lần lượt giảm 14% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), lợi nhuận sau thuế đạt 517 triệu đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm trước. Lãi nhỏ giọt dù doanh thu đã tăng 65%, đạt gần 4.170 tỷ đồng. Kỳ này, biên lợi nhuận của công ty khá mỏng, các khoản chi phí tăng mạnh đã “ăn mòn” lợi nhuận.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VSF của Vinafood II chốt phiên 15/5 ở mức 6.900 VNĐ/CP, tăng 64% so với đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu TAR, PAN và LTG cũng tăng lần lượt 23%, 13% và 12% so với đầu năm.
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) là cái tên gây bất ngờ nhất khi báo lỗ quý I/2023 là 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 184 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí tài chính công ty trong kỳ tăng gấp 2 lần lên 147 tỷ đồng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng.
Trong báo cáo triển vọng ngành gạo vừa cập nhật, VnDirect cho rằng nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với xung đột chưa được giải quyết giữa Nga và Ukraine, đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt như Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán). Năm 2023, do ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, xuống còn khoảng 145,5 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo gần đây của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thời tiết thuận lợi tạo ra lợi thế cho ngành gạo trong nước so với các quốc gia Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ. Dù khả năng xuất hiện El Nino (khiến nhiệt độ tăng cao, giảm lượng mưa), Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.
Ngoài ra, chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong năm nay nhờ các động thái giảm căng thẳng của châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới tăng. Điều này cũng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng. Ngoài Philippines, Trung Quốc và EU cũng đang tăng mạnh nhập hàng chất lượng từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nói chung đang không đủ cầu nên giá gạo có thể tăng tiếp trong quý II.