Tham dự lễ ký có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo; đại diện Bộ Công Thương, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Orsted, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3,…
Theo đó, tập đoàn hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi Orsted đã chính thức trao hợp đồng có giá trị lên đến hàng trăm triệu USD cho PTSC để sản xuất các kết cấu móng trụ turbine cho trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 có tổng công suất 920 MW tại Đài Loan (Trung Quốc).
Đây là trang trại điện gió ngoài khơi hiện đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Cụ thể, PTSC sẽ sản xuất 33 kết cấu móng chân đế hút chân không cho tuabin và sẽ được lắp đặt tại trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4 vào cuối năm 2025. Dự án ước tính sử dụng 70.000 tấn thép và mang lại hàng nghìn việc làm tại PTSC và các nhà thầu trong chuỗi cung ứng.
Ông Jonas Bak Solhoj, Giám đốc Phát triển dự án Điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b & 4, cho biết rất vui mừng khi được hợp tác cùng Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam để phát triển sản xuất các kết cấu móng trụ tuabin cho điện gió ngoài khơi đạt tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng. Đây sẽ là lần đầu tiên công nghệ tiên tiến sản xuất móng chân đế hút chân không được triển khai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Công nghệ này sẽ là nền tảng cho việc sản xuất nguồn năng lượng xanh đáng tin cậy trong những thập kỷ tới.
Thỏa thuận còn cho thấy thế mạnh của chuỗi cung ứng mới nổi của Việt Nam cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn. Thông qua dự án này, Orsted và PTSC sẽ có khả năng sản xuất các hạ tầng kết cấu móng trụ tuabin tiên tiến cho các trang trại điện gió ngoài khơi lớn và hiện đại nhất của Orsted tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết việc ký kết và thực hiện hợp đồng này là dấu mốc quan trọng của PTSC, đánh dấu sự chuyển dịch và mở rộng mô hình sản xuất từ đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, chu trình sản xuất theo chuỗi khép kín, hoàn toàn khác biệt với ngành dầu khí truyền thống. Đây cũng là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam ký được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực mới là điện gió ngoài khơi.
Cũng theo ông Lê Mạnh Cường, ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, thực hiện hợp đồng còn tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hình thành chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Khẳng định việc PTSC đặt chân vào lĩnh vực Điện gió ngoài khơi với mục tiêu không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ tham gia vào chuỗi cung ứng mà còn là nhà đầu tư, phát triển các dự án trong lĩnh vực này, góp phần hiện thực hóa cam kết cân bằng phát thải ròng về 0 (Net-zero) vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam.