– Sáng 22/7, xét xử sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và liên quan.
– Tại ngày 31/12/2023, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty.
– Cổ phiếu FLC hiện trong trạng thái đình chỉ giao dịch.
Sáng 22/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) Trịnh Văn Quyết và 49 người khác. Ông Trịnh Văn Quyết cùng 7 người khác bị xét xử về các tội danh thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện ông Trịnh Văn Quyết đã nộp hơn 210 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bắt tạm giam. Khi đó, ông giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways.
Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975, ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc. Ông khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư SMiC (từ năm 1999 đến năm 2004), sau đó mở văn phòng Luật sư SMiC (từ 2004 đến 2008).
Hai năm sau đó (tháng 8/2010), ông Quyết làm Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC. Vị trí này được ông Quyết đảm nhận đến khi bị bắt.
Ông Quyết còn nắm quyền điều hành nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC, như Công ty cổ phần Nông dược H.A.I (HAI), Công ty cổ phần Xây dựng Faros (ROS); Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), Công ty cổ phần Chứng khoán Artex (ART), Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Công ty cổ phần GAB (GAB).
Theo báo cáo quản trị mới nhất do FLC công bố, tại ngày 31/12/2023, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 30,34% vốn điều lệ công ty. Ngoài ông Quyết, các thành viên trong gia đình có liên quan, bao gồm vợ – bà Lê Thị Ngọc Diệp – đều không sở hữu cổ phần. Chủ tịch FLC đương nhiệm là ông Lê Bá Nguyên (anh vợ ông Quyết) cũng không nắm cổ phần công ty.
Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính
Cổ phiếu FLC đã bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) từ đầu năm 2023. Tại thời điểm hủy niêm yết, FLC có gần 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành. HoSE nêu lý do hủy niêm yết là tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Theo quy định, cổ phiếu sau khi bị hủy niêm yết tại HoSE có thể được tiếp tục giao dịch trên UPCoM (thuộc HNX). Tuy nhiên, cổ phiếu FLC hiện trong trạng thái đình chỉ giao dịch.
Đến nay, công ty vẫn chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 – 2023 đã được kiểm toán, chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2023 được soát xét quá 45 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn; chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.
Sau khi bị bắt, ông Trịnh Văn Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Ngày 20/2, bài viết trên website FLC về tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường 2024 nhắc đến bà Vũ Đặng Hải Yến đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC.
Trước phiên tòa hôm nay, bà Vũ Đặng Hải Yến trong vai trò luật sư – người bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết – cho biết ông Quyết vẫn tiếp tục vận động người thân nộp tối đa tiền khắc phục hậu quả vụ án trước và khi toà đang xét xử.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ong-trinh-van-quyet-con-nam-bao-nhieu-co-phieu-flc-188240722112814775.chn