Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố thông tin, đơn vị được ủy thác đã hoàn tất thu về toàn bộ số công nợ từ Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) với số tiền hơn 304 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty Luật TNHH ALB & Partnners – đơn vị được HBC ủy thác cho biết, Hòa Bình và FLC đã thống nhất về việc thanh toán toàn bộ công nợ liên quan đến hợp đồng xây dựng tại Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn của FLC tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tính đến ngày 12/10, Hòa Bình đã thu hồi được hơn 300 tỷ đồng, gồm hơn 270 tỷ đồng tiền mặt. 34 tỷ đồng nợ còn lại được cấn trừ bằng bất động sản tại dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. FLC cũng đã hoàn tất ký văn bản chuyển nhượng bất động sản này.
Tranh chấp giữa FLC và Hòa Bình đã kéo dài nhiều năm liên quan đến hai hợp đồng thi công số 57 và 18 ký năm 2014 để xây dựng dự án FLC Sầm Sơn. Tập đoàn Hoà Bình là nhà thầu xây dựng được FLC lựa chọn.
Cụ thể, vào cuối năm 2014, HBC và FLC đã ký kết hai hợp đồng thi công xây dựng các hạng mục như nhà câu lạc bộ, trung tâm hội nghị, khu Fusion, khu Alacarte thuộc dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Theo HBC, để thực hiện hai hợp đồng trên, chỉ trong vỏn vẹn 9 tháng, HBC đã huy động tối đa nhân lực, vật lực để thi công liên tục, tăng ca không ngừng nghỉ kể cả dịp Tết Nguyên đán nhằm bảo đảm chất lượng và hoàn thành tiến độ gắt gao theo yêu cầu của FLC.
Công trình đã kịp khánh thành và phục vụ cho Năm Du lịch quốc gia tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, được tổ chức vào tháng 7/2015. Năm 2016, HBC đã gửi hồ sơ quyết toán cho hai hợp đồng này.
Sau đó, rất nhiều công văn yêu cầu FLC phê duyệt hồ sơ quyết toán đã được gửi đi nhưng HBC vẫn không nhận được sự hợp tác thiện chí từ phía FLC. Vì vậy, đến tháng 2/2020, đại diện pháp lý của Hòa Bình nộp đơn khởi kiện FLC, liên quan hợp đồng số 57 tại TAND quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) và hợp đồng số 18 tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TPHCM.
Sau đó, đại diện pháp lý của Hòa Bình thông báo thắng cả hai vụ kiện. Tổng số tiền FLC phải thanh toán cho Hòa Bình liên quan hai hợp đồng thi công theo phán quyết ở thời điểm đó là 277 tỷ đồng. Trong trường hợp FLC không thực hiện thanh toán số tiền nêu trên quá 30 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực, FLC còn phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán với mức lãi suất 12%/năm đối với số nợ gốc hơn 163 tỷ đồng và 10%/năm đối với số tiền còn lại.
Tuy nhiên sau đó, FLC đề nghị TAND TPHCM hủy phán quyết của VIAC nhưng TAND TPHCM đã bác bỏ yêu cầu của Tập đoàn FLC và quyết định phán quyết tiếp tục có hiệu lực chung thẩm, bắt buộc thi hành.
Đến tháng 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán rồi sau đó cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE nhưng Tập đoàn FLC vẫn tiếp tục thanh toán khoản nợ cho Tập đoàn Hoà Bình. HBC cho biết, từ tháng 11/2020 đến ngày 12/10, FLC đã hoàn tất các phán quyết và trả nợ cho Hòa Bình.
Ngoài việc thu hồi toàn bộ công nợ từ FLC, Tập đoàn Hòa Bình cũng cho biết sắp tới có thể thu về thêm hơn 260 tỷ đồng. Theo đó, HBC công bố báo cáo của Công ty Luật TNHH ALB & Partners về tiến độ giải quyết tranh chấp giữa HBC và Công ty TNHH Vì Khoa Học – Dự án Khách sạn Vì Khoa Học.
Cụ thể, vào ngày 12/10, ALB & Partners đã nhận được bản án có hiệu lực pháp luật của TAND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định về việc tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng giữa Hòa Bình và Công ty TNHH Vì Khoa Học.
Hội đồng xét xử chấp thuận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Xây dựng Hòa Bình và buộc Công ty TNHH Vì Khoa Học thanh toán cho HBC số tiền hơn 100 tỷ đồng, gồm 72 tỷ đồng là giá trị thi công còn thiếu, 21 tỷ đồng là tiền lãi chậm thanh toán, còn lại là chi phí phát sinh do tạm ngừng thi công.
Kể từ ngày 22/7 cho đến khi thi hành án xong, Công ty TNHH Vì Khoa Học còn phải chịu tiền lãi trên số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất được các bên thỏa thuận là 12%/năm.
Ngoài ra, Hòa Bình cũng thông báo thắng kiện và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình, buộc Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị phải thanh toán gần 162 tỷ đồng.
Liên quan đến việc thu hồi nợ của Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC – cho biết trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa. Tất cả các vụ đã được xử và Hòa Bình đều thắng kiện.
Trong đó số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách kế toán là gần 830 tỷ đồng, còn tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Hòa Bình là hơn 1.220 tỷ đồng bao gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh, tức cao hơn 47,5%.