Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC của Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn.
Theo thông báo từ HoSE, cổ phiếu GMC hiện thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán của Garmex Sài Gòn trong hai năm gần nhất đều ở mức âm.
Bên cạnh đó, theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2024, cùng văn bản từ đơn vị kiểm toán AASCS, Garmex Sài Gòn đã tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ tháng 5/2023. Tính đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán ngày 15/8/2024, công ty không ghi nhận doanh thu từ sản xuất, mà chỉ phát sinh một số chi phí không đáng kể liên quan đến duy trì nhân sự tối thiểu, bảo dưỡng tài sản cố định và hàng tồn kho.
Theo đó, HoSE thông báo cổ phiếu GMC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc và sẽ phải thực hiện hủy niêm yết theo quy định.
HoSE thông báo quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu GMC của Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn
Garmex Sài Gòn, tiền thân là Công ty Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, được thành lập năm 1976. Năm 2004, công ty được cổ phần hóa và chính thức niêm yết trên HoSE từ năm 2006 với mã cổ phiếu GMC.
Trước khi rơi vào tình trạng khó khăn, Garmex Sài Gòn từng là một trong những doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam, đạt doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm và sở hữu đội ngũ gần 4.000 nhân viên. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng, khiến công ty gặp khó khăn trong việc duy trì đơn hàng.
Năm 2022, doanh thu của GMC sụt giảm đến 93% so với năm trước, khiến doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ. Để cắt giảm chi phí, Garmex đã buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất và tiến hành cắt giảm nhân sự trên diện rộng. Từ gần 4.000 nhân sự, đến cuối quý III/2024, doanh nghiệp chỉ còn duy trì 31 nhân viên. Công ty cho biết, trong năm 2022 đã cắt giảm 1.828 nhân sự và tiếp tục tục cắt giảm 1.947 nhân sự trong năm 2023.
Nguồn: Tổng hợp
Trong quý III/2024, Garmex Sài Gòn chỉ ghi nhận doanh thu 116 triệu đồng, chủ yếu đến từ việc bán chăn phụ liệu tồn kho và hoạt động kinh doanh nhà thuốc. Lãi gộp chỉ đạt 7 triệu đồng, trong khi lãi từ tiền gửi ngân hàng là 841 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải gánh chi phí quản lý lên tới 9,6 tỷ đồng, bao gồm chi phí nhân công, hao mòn tài sản, dịch vụ mua ngoài, đồ dùng văn phòng… Kết quả, công ty lỗ sau thuế 8,7 tỷ đồng trong quý III.
>>Một doanh nghiệp dệt may ‘khát’ đơn hàng suốt 18 tháng, ‘khánh kiệt’ vì 1 quyết định của Amazon
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/ong-lon-det-may-50-tuoi-bi-huy-niem-yet-sau-khi-sa-thai-gan-4-000-nhan-su-lien-tuc-trang-don-hang-188318.html