Hệ sinh thái Egroup nợ BHXH hơn 100 tỷ
Ngày 22/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm ra giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Được biết, nhiều nhà đầu tư đã nộp đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP tập đoàn giáo dục Egroup.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (sinh năm 1982 tại Hà Nội) hay còn được gọi là Shark Thủy sau khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam, là chủ tịch tập đoàn Egroup và CTCP Đầu tư Apax Holdings.
Egroup của Shark Thủy được biết đến là Tập đoàn giáo dục tập trung đầu tư vào những chuỗi liên quan giáo dục trong các lĩnh vực như tiếng Anh, đào tạo năng lực tư duy, giáo dục mầm non và phát triển trường liên cấp. Trên website, Egroup cho biết đang hoạt động với các thương hiệu như Apax Holdings, Apax English/Apax Leaders, STEAMe GARTEN, Englishnow, MClass, eKidPro, Apax Franklin, NexEdu, CMS Edu, Dongsim, VNEdutech, Vietkinder Garten, …
Bên ngoài lĩnh vực giáo dục còn có Soya Garden, Mr Bean, Yakson Beauty, The Dental Hub, Rehoboth Việt Nam.
Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội đã công bố danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 2/2024.
Trong đó, dẫn đầu danh sách là Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (Apax Leaders) với số tiền chậm đóng là trên 57,1 tỷ đồng, trong vòng 48 tháng. Ngoài ra, chuỗi trung tâm tiếng Anh này còn nợ đóng BHXH cho người nước ngoài tại công ty trong hơn 4 năm với số tiền là 5,4 tỷ đồng.
Chưa hết, các doanh nghiệp khách thuộc hệ sinh thái giáo dục của Shark Thủy cũng được réo tên trong danh sách này. Cụ thể, Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục IGarten, sở hữu hệ thống mầm non STEAMe GARTEN, đang chậm đóng bảo hiểm trong 22 tháng với khoản nợ 18,4 tỷ đồng.
Còn, Công ty Cổ phần English Now Global (EnglishNow) chậm đóng 4,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong 41 tháng. Công ty CP giáo dục tư duy và sáng tạo quốc tế CMS – điều hàng chuỗi dạy toán học tư duy CMS, cũng còn nợ 10,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm trong 37 tháng. Ngoài ra, Egroup và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phân phối Egame còn chậm đóng lần lượt 3,8 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng bảo hiểm.
Như vậy, hệ sinh thái các công ty của Shark Nguyễn Ngọc Thủy hiện đang chậm đóng hơn 103 tỷ đồng tiền bảo hiểm tại Hà Nội.
Từng phát hành hơn 1.300 tỷ đồng trái phiếu
Trong hệ sinh thái của Egroup, Apax Holdings từng phát hành 2 lô trái phiếu. Lô trái phiếu APAXHOLDINGS_BOND01 trị giá 207 tỷ, là trái phiếu chuyển đổi, phát hành năm 2018, năm 2022, IBC đã chuyển đổi 144 tỷ trái phiếu thành cổ phiếu. Lô trái phiếu APAXHOLDINGS_BOND2020 trị giá 300 tỷ, phát hành năm 2020. Cả 2 lô trái phiếu này đều đã đến hạn đáo hạn trong năm 2023.
Năm 2021, Apax English cũng phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 500 tỷ, trong đó, 200 tỷ đã đến hạn đáo hạn vào tháng 2/2023 và 300 tỷ sẽ đến hạn đáo hạn vào tháng 8/2024.
CTCP Phát triển giáo dục Igarden phát hành 135 tỷ trái phiếu vào năm 2020 đã đến hạn đáo hạn vào tháng 12/2023 và phát hành 200 tỷ trái phiếu vào năm 2021 sẽ đến hạn đáo hạn vào tháng 6/2024.
Từ gà đẻ trứng vàng đến cú trượt dài của Apax Leaders
Apax Holdings (IBC) của Shark Thủy là công ty hạt nhân trong hệ sinh thái của Egroup đang kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Sau nhiều lần bị bán giải chấp, Egroup hiện còn sở hữu hơn 13,9 triệu cổ phiếu IBC, tương ứng 16,77% cổ phần.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, IBC đang có 3 công ty con là CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) với tỷ lệ sở hữu 66,36%, CTCP Phát triển giáo dục Igarden với tỷ lệ sở hữu 51,2% và CTCP Trường liên cấp Firbank Australia với tỷ lệ sở hữu 99,35%.
Hoạt động trong ngành giáo dục hàng tỷ USD, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng. Các trung tâm mở với tốc độ Thánh Gióng và nhanh chóng trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam. Doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ trong năm 2020.
Trong đó, Apax Leaders được xem như “gà đẻ trứng vàng”. Theo giới thiệu trên website, hệ thống này đang có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học. Đang trên đà phát triển, đại dịch Covid xảy ra và các quy định giãn cách xã hội đã khiến cho các trung tâm giáo dục không còn cơ hội ‘cựa quậy’. Apax cũng vậy.
Năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Lỗ trước thuế 77 tỷ, lỗ ròng 87 tỷ – đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.
Cuối năm 2023, cổ phiếu IBC của Apax Holdings đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên Hose, sau khi chuyển sang sàn Upcom thì bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch.
2022 cũng là năm những lùm xùm của Apax Leaders – Apax English của Apax Holdings nổi lên liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên… Hàng loạt phụ huynh đã đến Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Sở GD-ĐT TP HCM sau đó đã đình chỉ hoạt động đối với 39 Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, thời hạn đình chỉ đến hết 31-12-2023, sở đã ban hành thông báo về việc chưa cho phép hoạt động giáo dục trở lại sau thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục đối với 39 trung tâm nêu trên. Lý do là tính đến thời điểm hiện nay, Sở GD-ĐT chưa nhận được tờ trình cho phép hoạt động giáo dục trở lại kèm hồ sơ minh chứng báo cáo định hướng cụ thể.
Mới đây, Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sẽ ban hành quyết định giải thể đối với 26 trung tâm. Đối với 13 địa điểm còn lại, sở sẽ xem xét và giải quyết theo quy định sau khi rà soát các minh chứng liên quan đến quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trung tâm của Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax và hồ sơ minh chứng thực tế do cơ quan quản lý địa phương cung cấp…
Nguồn tin: https://cafef.vn/shark-thuy-bi-bat-nhung-thuong-hieu-nao-nam-trong-he-thong-egroup-18824032611365785.chn