“Bà trùm xăng dầu” Thái Bình gây thiệt hại hàng trăm tỷ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH vận tải Thủy bộ Hải Hà và các đơn vị có liên quan; đồng thời ra Quyết định và Lệnh tố khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Tuyết Mai, Chủ tịch HĐTV, kiêm TGĐ Công ty Hải Hà.
Trong tài liệu điều tra, Trần Tuyết Mai, Chủ tịch HĐTV, kiêm TGĐ Công ty Hải Hà đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi sai phạm: Không nộp số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền Quỹ BOG trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước số tiền trên 317 tỷ đồng; Lập, sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán, khai man, để ngoài sổ kế toán, không kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường đối với trên 3,8 triệu lít xăng A95 đã bán ra trong năm 2020, gây thiệt hại (tạm tính) cho ngân sách Nhà nước số tiền trên 15 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là văn phòng làm việc, kho chứa xăng dầu và nơi ở của các đối tượng có liên quan tại tỉnh Thái Bình và Thành phố Hà Nội; thu giữ nhiều tài liệu, máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện vận chuyển xăng dầu, cùng 1.288.406 lít dầu DO, 101.416 lít xăng A95 và 129.788 lít xăng A92.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của Hải Hà Petro, từ đó chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.
Các sai phạm của doanh nghiệp này bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra gồm có: sai phạm trong quá trình kê khai và nộp thuế BVMT đối với xăng dầu, sử dụng Quỹ bình ổn giá không đúng mục đích. Hải Hà Petro cũng không đảm bảo hệ thống phân phối theo quy định.
Cơ quan thanh tra cho rằng Hải Hà Petro đã trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách 110.242m3. Từ đó dẫn đến trích lập Quỹ BOG sai, vượt khối lượng.
Theo kết luận thanh tra, Hải Hà Petro còn vi phạm trong việc mua bán xăng dầu, xuất hóa đơn không tuân thủ chế độ kế toán và quy định của Luật thuế GTGT.
Số tiền nợ thuế “khủng” của Hải Hà Petro
Hải Hà Petro là một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có trụ sở chính tại Thái Bình và có nhiều cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình.
Trước khi bà Trần Tuyết Mai bị bắt, theo báo Lao Động, ngày 10/1, Bộ Công an cùng với các đơn vị chức năng của tỉnh Thái Bình đã tiến hành khám xét kho hàng của Công ty Hải Hà Petro tại huyện Thái Thụy. Các bồn chứa xăng dầu tại đây đã được niêm phong và bàn giao cho cơ quan địa phương giám sát phục vụ điều tra.
Đến chiều ngày 11/1, một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Thái Bình xác nhận với báo Thanh Niên cho biết, ngày 27/12/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã cùng lúc ban hành 66 quyết định gửi đến các tổ chức tín dụng và ngân hàng về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ 66 tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế là Hải Hà Petro tại Kho bạc Nhà nước và tổ chức tín dụng để nộp vào ngân sách Nhà nước.
Trong năm 2023, cơ quan Thuế đã có 3 văn bản đề nghị thu hồi nợ thuế từ công ty này. Đặc biệt, vào ngày 30/8/2023, bà Trần Tuyết Mai đã bị Cục Thuế tỉnh Thái Bình gửi thông báo đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc tạm hoãn xuất cảnh do vấn đề nợ thuế.
Theo báo Dân Trí, thời gian bà Mai bị tạm hoãn xuất cảnh là từ ngày 30/8/2023 đến khi Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Theo số liệu từ Cục Thuế Thái Bình, Công ty Hải Hà nợ hơn 1.736 tỷ đồng thuế (chủ yếu là Thuế Bảo vệ môi trường mà người tiêu dùng đã đóng vào ngân sách nhà nước thông qua việc mua xăng, dầu của Công ty Hải Hà).
Đến ngày 12/1, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 63/QĐ-BCT về việc thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu đối với Hải Hà Petro. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Tổng hợp
Nguồn tin: https://cafef.vn/nhung-sai-pham-khien-ba-trum-xang-dau-chu-tich-cong-ty-hai-ha-tran-tuyet-mai-bi-bat-188240124142858036.chn