Theo thống kê của chúng tôi, tại thời điểm ngày 30/9 có tổng cộng 16 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) đang nắm giữ lượng tiền (bao gồm tiền, tương đương tiền và tiền gửi) vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Tổng lượng tiền gửi và tiền mặt của các doanh nghiệp này đạt mức 376.000 tỷ đồng, tăng 13% so với quý đầu năm và tăng 48.000 tỷ đồng so với cuối quý 1/2023.
Trong số này ba doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền gửi và tiền mặt lớn nhất bao gồm Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) tiếp tục dẫn đầu trong số các công ty có lượng tiền gửi và tiền mặt lớn nhất trên sàn, đạt 40.000 tỷ đồng. Mặc dù con số này đã giảm 800 tỷ đồng so với cuối quý 2/2023 tuy nhiên vẫn tăng 5.700 tỷ đồng so với đầu năm. PV Gas cũng đã thu về 537 tỷ đồng lãi từ tiền gửi tiết kiệm trong quý 3/2023 và gần 1.600 tỷ đồng sau 9 tháng.
Xếp ở vị trí thứ hai là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với 36.500 tỷ đồng đang nắm giữ trong tay tính đến cuối quý 3/2023. Lượng tiền mặt của doanh nghiệp này đã tăng 7.500 tỷ đồng so với cuối quý 2/2023 và tăng 11.500 tỷ đồng so với số đầu năm.
Bên cạnh PV Gas, một loạt doanh nghiệp dầu khí khác cũng đang nắm giữ lượng tiền lớn là Petrolimex (PLX), PV OIL, PTSC.
FPT, Vinamilk, Thế giới Di động, Viettel Global, VEAM, GVR là những doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt và tiền gửi tăng so với đầu năm. Trong số này, Thế giới Di động (MWG) nhờ có lượng tiền lớn để gửi ngân hàng đã giúp doanh nghiệp vẫn có lãi năm nay trong bối cảnh thị trường bán lẻ gặp khó khăn.
Các doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền giảm
“Ông vua” tiền mặt của năm 2022 là tập đoàn Hòa Phát (HPG) hiện chỉ còn xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách này với 29.700 tỷ đồng đang nắm giữ. Con số này đã giảm 4.900 tỷ đồng so với số đầu năm và giảm 6.300 tỷ đồng so với cuối quý 3/2023.
Hòa Phát đã đánh mất vị trí “vua tiền mặt” vào tay của PV Gas từ đầu năm nay khi trong năm 2022 lợi nhuận của công ty này giảm mạnh. Vua thép dù sở hữu nhiều tiền nhưng đã không trả cổ tức hai năm.
Lý giải về điều này, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát cũng đã chia sẻ rằng hiện nay đang dồn toàn lực cho dự án nhà máy Dung Quất 2. Với tổng vốn đầu tư lên đến trên 60.000 tỷ đồng, Công ty sẽ vận dụng cả nguồn vốn vay lẫn vốn tự có. Tuy nhiên doanh nghiệp này chỉ có thể vay được khoảng 35.000 tỷ đồng cho dự án, vì vậy cần một lượng tiền lớn để có thể đảm báo vốn cho Dung Quất 2.
Vingroup (VIC) là doanh nghiệp có trên 10.000 tỷ đồng ghi nhận lượng tiền giảm mạnh nhất so với đầu năm. Cụ thể, số tiền của công ty này đã giảm 6.900 tỷ đồng còn 21.300 tỷ đồng.
Sabeco, Masan Group là hai doanh nghiệp còn lại trong danh sách có lượng tiền mặt và tiền gửi giảm.
Ở phía bên kia của bảng cân đối, các doanh nghiệp “nhiều tiền” cũng đang có những khoản vay nợ. VEAM, Sabeco là những doanh nghiệp “nhẹ nợ” nhất với dư nợ chỉ từ vài trăm tỷ đồng.
Như đã đề cập, các doanh nghiệp trong ngành dầu khí gồm PV Gas, BSR, Petrolimex, PV Oil hay PTSC dù có nhiều tiền nhưng số nợ vay của các doanh nghiệp này nhỏ hơn rất nhiều.
Trong khi đó, 3 tập đoàn gồm: Hòa Phát, Vingroup và Masan Group là những đơn vị có dư nợ vay lớn hơn lượng tiền gửi. Tại thời điểm cuối quý 3/2023, dư nợ vay của Vingroup và các công ty con là 193.000 tỷ đồng, Masan Group hơn 69.000 tỷ đồng và Hòa Phát gần 58.000 tỷ đồng. Cả 3 doanh nghiệp này đều tăng nợ vay trong 9 tháng đầu năm, nhưng lượng tiền lại giảm.