Lê Hoàng Diệp Thảo, người đồng sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên và hiện là CEO của King Coffee, không chỉ là một biểu tượng trong ngành cà phê mà còn là người khởi đầu mô hình nhượng quyền chuỗi cà phê tại Việt Nam. Với sự nghiệp ấn tượng và những dấu ấn mạnh mẽ trong ngành, bà đã góp phần thay đổi cục diện ngành công nghiệp cà phê trong nước và quốc tế.
Sinh ra tại Gia Lai trong một gia đình khá giả, sau khi tốt nghiệp vào năm 1994, Lê Hoàng Diệp Thảo bắt đầu công việc tại Tổng đài 108 của Bưu điện tỉnh Gia Lai. Cuộc gặp gỡ định mệnh với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, khi đó là sinh viên Y khoa, đã đặt nền móng cho mối tình và sự nghiệp sau này của cả hai. Với niềm đam mê chung dành cho cà phê, bà Thảo đã đồng hành cùng ông Vũ trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Trung Nguyên từ những ngày đầu.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo – Người phụ nữ sinh ra từ vùng đất cà phê với vẻ đẹp mặn mà
>> Điểm lại những phát ngôn ‘nghe mà thấm’ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau cuộc ly hôn nghìn tỷ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Năm 1996, bà Thảo cùng ông Vũ khởi động Trung Nguyên, nhưng dự án đầu tiên ở Long Xuyên thất bại nặng nề. Để cứu vãn tình hình, bà đã thuyết phục gia đình đầu tư và cùng ông tiếp tục xây dựng lại từ con số không. Năm 1999, ông Vũ và bà Thảo thành lập Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên có trụ sở chính tại 268 Nguyễn Tất Thành, TP.Buôn Ma Thuột. Đây cũng là giấy tờ đăng ký tư cách pháp nhân đầu tiên của Trung Nguyên.
Một trong những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của bà Lê Hoàng Diệp Thảo là vào năm 1998, quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại TP. HCM khai trương. Quán nhanh chóng gây tiếng vang nhờ chiến dịch “uống cà phê miễn phí trong 7 ngày”, giúp Trung Nguyên thu hút sự chú ý của đông đảo khách hàng. Đây cũng là nền tảng để Trung Nguyên phát triển chuỗi cửa hàng cà phê và trở thành thương hiệu quen thuộc tại Việt Nam.
Không dừng lại, vào năm 2000, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được bổ nhiệm làm Trưởng Chi nhánh Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại TP.HCM, chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và phát triển hệ thống nhượng quyền thương hiệu của Trung Nguyên. Với nền tảng kinh doanh từ gia đình và niềm đam mê mãnh liệt dành cho cà phê, bà đã góp phần quan trọng đưa Trung Nguyên trở thành thương hiệu tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực nhượng quyền chuỗi quán cà phê.
Giấy bổ nhiệm tôi làm Trưởng Chi nhánh Hợp tác xã Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại TP.HCM năm 2000. Nguồn: FB Lê Hoàng Diệp Thảo
>> Sự nghiệp của vợ chồng ‘Vua cà phê’ hậu ly hôn: Người làm ‘trùm’ xứ Trung, kẻ vang danh đất Mỹ
Một cột mốc quan trọng tiếp theo, năm 2001, sau chuyến đi công tác tại Đức bà đã đưa cà phê hòa tan về cho Trung Nguyên, từ đó cà phê hoà tan G7 ra đời, tạo ra bước đột phá lớn trong ngành cà phê Việt Nam.
Năm 2008, bà Thảo thành lập Trung Nguyên International tại Singapore, mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại sân bay Changi – một trong những điểm giao thông lớn nhất thế giới. Điều này không chỉ đánh dấu sự mở rộng của Trung Nguyên ra quốc tế mà còn tạo dựng dấu ấn mạnh mẽ cho thương hiệu cà phê Việt trên thị trường toàn cầu.
Từ năm 2006 đến 2014, Tập đoàn Trung Nguyên phát triển rực rỡ, đặc biệt sau khi thiết lập mạng lưới quốc tế với trụ sở tại Singapore. Trung Nguyên nhanh chóng trở thành một thương hiệu quốc gia, nổi bật trong cả lĩnh vực kinh doanh cà phê trong nước lẫn quốc tế. Sự đồng lòng của cặp vợ chồng Diệp Thảo – Đặng Lê Nguyên Vũ ngày đó đã xây dựng một “đế chế” cà phê thành công vang dội.
Tuy nhiên, biến cố gia đình xảy ra vào năm 2013 đã tạo nên những thay đổi lớn trong cuộc sống và sự nghiệp của bà Thảo. Khi ông Vũ bắt đầu giai đoạn thiền định kéo dài, bà Thảo đối mặt với nhiều thách thức trong việc quản lý và điều hành Trung Nguyên. Những mâu thuẫn gia đình leo thang, dẫn đến việc bà bị tước quyền điều hành tại Trung Nguyên vào năm 2015. Cũng trong năm đó, bà Thảo đệ đơn ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cuộc ly hôn kéo dài 6 năm mới có phán quyết cuối cùng. Đây cũng là một cuộc ly hôn tốn nhiều giấy mực của dư luận và báo chí.
Thành lập Trung Nguyên Singapore năm 2008, chính thức đưa Trung Nguyên ra thế giới. Nguồn: FB Lê Hoàng Diệp Thảo
>> Sự nghiệp của vợ chồng ‘Vua cà phê’ hậu ly hôn: Người làm ‘trùm’ xứ Trung, kẻ vang danh đất Mỹ
Trong bối cảnh biến động đó, tháng 10/2016, TNI King Coffee, tiền thân là Trung Nguyên International (tại Singapore) do bà Thảo quản lý, đã ra mắt thương hiệu cà phê cao cấp King Coffee tại Mỹ, đến tháng 8/2017 thì thương hiệu này chính thức xuất hiện ở Việt Nam. Chỉ sau vài năm, King Coffee đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình, xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu năm 2020 của King Coffee đạt ngưỡng 1.500 tỷ đồng. TNI Corporation nằm trong Top 100 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam 2020-2021.
King Coffee đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, bao gồm “Thương hiệu cà phê phát triển nhanh nhất” và “Thương hiệu nổi tiếng nhất tại Việt Nam” vào năm 2020. Đây cũng là thương hiệu duy nhất được chọn để đại diện cho ngành cà phê và văn hóa cà phê Việt Nam tại Triển lãm thế giới EXPO 2020 Dubai– sự kiện được sánh ngang với “World Cup” hay “Olympic” dành cho giới doanh nhân toàn cầu, tổ chức 5 năm một lần và có lịch sử hơn 170 năm. Hơn thế nữa, vào ngày 22/12/2021, King Coffee tự hào khi trở thành đơn vị giúp Việt Nam xác lập Kỷ lục Thế giới cho cà phê Robusta Việt Nam.
Bên cạnh việc phát triển King Coffee, bà Diệp Thảo còn là người sáng lập các dự án xã hội như Women Can Do và Happy Farmers, với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ và nông dân trong lĩnh vực cà phê. Những dự án này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang đậm giá trị nhân văn, đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Với sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất trong ngành cà phê, tiếp tục mở rộng thương hiệu King Coffee ra khắp thế giới, đồng thời duy trì vị thế của cà phê Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
>> Nữ hoàng cà phê Lê Hoàng Diệp Thảo: Mình chỉ có 1 cuộc đời này thôi, khoan hãy nghĩ rằng mình có kiếp này hay kiếp sau
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/nu-hoang-ca-phe-le-hoang-diep-thao-nguoi-khoi-dau-mo-hinh-nhuong-quyen-chuoi-ca-phe-tai-viet-nam-156203.html