Thống kê BCTC quý 3/2023 đến nay cho thấy, ngành thép tiếp tục chiếm đa số trong danh sách doanh nghiệp (DN) thua lỗ. Dù vậy, Top 3 thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý 3 năm nay lần lượt gọi tên Đạm Hà Bắc, Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Nhơn Trạch 2 (NT2).
Trong đó, đứng đầu danh sách là Đạm Hà Bắc (DHB). Quý 3/2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.138 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, giá vốn tăng khiến ĐHB lỗ gộp 40 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gộp đến 580 tỷ đồng). Đặc biệt, chi phí tài chính tăng mạnh, do đó Đạm Hà Bắc lỗ sau thuế đến 309 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2022 lãi 347 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này lỗ nặng.
Luỹ kế 9 tháng, DHB ghi nhận doanh thu đạt 3.224 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm việc phải gánh các khoản chi phí lớn (đặc biệt là chi phí tài chính) khiến doanh nghiệp lỗ nặng hơn 788 tỷ (cùng kỳ 2022 lãi đến gần 1.700 tỷ đồng). Kinh doanh “bết bát”, lỗ luỹ kế của DHB tại thời điểm 30/9 lên đến gần 3.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1.000 tỷ đồng.
Năm 2023, DHB đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp lên kế hoạch thận trọng với mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.129 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận trước thuế 683 tỷ đồng, giảm đến 61% so với thực hiện 2022. Với kết quả sau 9 tháng, khả năng hoàn thành kế hoạch của DHB còn rất xa vời.
Theo DHB, nguồn than khan hiếm và giá than thế giới vẫn ở mức cao, giá trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, giá ure và NH3 thế giới dự báo sẽ giảm mạnh so với giá bình quân năm 2022. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn nhân lực, tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng.
Đứng thứ hai về thua lỗ là Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Đây cũng là ngân hàng có tình hình kém tích cực nhất quý 3/2023 trong nhóm ngân hàng. Về nguồn thu, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự hơn 1.520 tỷ đồng – tăng so với cùng kỳ. Thu nhập từ dịch vụ và đầu tư chứng khoán cũng tăng.
Dù vậy, áp lực chi phí hoạt động cao khiến NCB lỗ sau thuế 244 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 199 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, NCB lỗ 233 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/9/2023, NCB đang lỗ luỹ kế 198,5 tỷ đồng.
Góp mặt Top 3 thua lỗ trong kỳ còn có CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Quý 3/2023, NT2 ghi nhận doanh thu 816,4 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tăng cao, đặc biệt chi phí tài chính khiến NT2 thua lỗ 124 tỷ đồng. Đáng nói, đây là lần đầu công ty này báo lỗ kể từ quý 3/2020. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khoản lỗ này là do Công ty đã tiến hành đại nhà máy điện Nhơn Trạch 2 sau 100.000 giờ vận hành từ ngày 7/9.
Lũy kế 9 tháng, NT2 ghi nhận doanh thu 5.182 tỷ đồng, lãi sau thuế 255 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 65% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, bức tranh thua lỗ nhìn chung vẫn tập trung vào nhóm DN thép và các chứng khoán nhỏ.
Riêng nhóm thép, tính đến nay đã có công ty thứ 6 báo lỗ; bao gồm CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC) lỗ sau thuế hơn 6 tỷ, Gang thép Cao Bằng (CBI) lỗ gần 17 tỷ, Thép Nhà Bè – VNSteel (TNB) lỗ 3 tỷ, Gang thép Thái Nguyên (TIS) lỗ 69 tỷ…
Trong khi đó, các ông lớn ngành thép như Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG), Hoà Phát (HPG) hiện vẫn chưa công bố BCTC quý.