Sau hơn ba thập niên mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đặt ra mục tiêu đầy tham vọng đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG đóng vai trò quan trọng. Theo World Bank, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam thiệt hại tổng cộng khoảng 12 – 14,5% GDP, tức thiệt hại tích luỹ từ 400-523 tỷ USD tính đến năm 2050.
“Nền kinh tế sẽ thiệt hại hàng tỷ USD nếu các doanh nghiệp (DN) không phát triển xanh”, ông Don Lam – Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital – từng cảnh báo.
Lý do là bởi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam như Mỹ, châu Âu hay gần hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều có những quy định cụ thể về thuế và những công cụ tài chính carbon. Việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cũng ngày càng bị yêu cầu khắt khe hơn đối với những tiêu chuẩn ESG. Nếu DN không sớm hành động thì sẽ mất đi nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn này để mở rộng kinh doanh và sản xuất.
Ở góc độ DN, loạt Tập đoàn lớn mà đi đầu là các DN FDI đã sớm xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Đơn cử, Nestlé đã sản xuất gạch và phân bón từ các phế phẩm và vật liệu lợp mái nhà từ hộp sữa. Heineken Việt Nam tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% rác thải hoặc sản phẩm phụ của quá trình sản xuất bia. Unilever Việt Nam đã thực hiện một chương trình thu gom và tái chế bao bì nhựa, Prudential Việt Nam cung cấp sản phẩm quỹ liên kết đơn vị PRUlink, quỹ đầu tiên trên thị trường bảo hiểm nhân thọ theo định hướng bền vững được quản lý bởi Eastspring Investments Việt Nam…
Hay Faslink, vừa qua đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Singtex – đơn vị cung cấp vải sợi xanh tại Đài Loan (Trung Quốc) trong việc cung ứng dòng vải sợi S.Café® có chứng thực tại Việt Nam. Faslink được biết đến là DN dệt may tiên phong chuyển đổi sang nguyên liệu xanh như cà phê, bạc hà, sen…. Năm 2022, tổng sản lượng Công ty đạt hơn 5 triệu mét, trong đó các dòng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên chiếm 40%, 60% sản lượng nguyên liệu.
Báo cáo của Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cuối năm qua cũng thể hiện tinh thần ESG của DN Việt, khi có đến 25% trong khoảng 500 hồ sơ DN đăng ký tham gia Chương trình DN bền vững năm 2023 là các đơn vị mới tham gia lần đầu.
Sang năm 2024, phát triển bền vững tiếp tục là một trong những khía cạnh trọng tâm DN hướng đến. Khảo sát từ PwC đầu năm 2024 ghi nhận gần 2/3 CEO châu Á Thái Bình Dương (gồm Việt Nam) lo ngại về tính bền vững của DN, dù đã tiến hành đổi mới. Thậm chí, đến 63% CEO tin rằng công ty của họ sẽ không thể tồn tại về mặt kinh tế trong thập kỷ tới nếu vẫn tiếp tục theo con đường hiện tại. Điểm tích cực là 97% CEO khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã bắt đầu hành động để chuyển đổi.
Ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, chia sẻ: “ Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và những năm sau đó được dự báo có nhiều hứa hẹnm mặc dù thực trạng thương mại toàn cầu hiện nay đang chậm lại và có nhiều biến động khó lường. Dù chúng ta nhận thấy một số tín hiệu tích cực trong ngắn hạn dựa trên các chỉ số kinh tế và xu hướng phục hồi, các nhà hoạch định chính sách và DN vẫn cần cấp bách đưa ra các quyết định chiến lược dài hạn. Các xu hướng lớn như AI, chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đóng góp một phần quan trọng trong việc tái định hình các chiến lược ở cả quy mô DN lẫn quốc gia”.
Nguồn tin: https://cafef.vn/neu-dn-khong-xanh-hoa-kinh-doanh-bien-doi-khi-hau-se-khien-viet-nam-thiet-hai-tich-luy-tu-400-523-ty-usd-tinh-den-nam-2050-18824032214204196.chn