Ngày 25/10, Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội đã công bố bản cáo bạch, sau khi được HNX chấp thuận cho 23,7 triệu cổ phiếu của công ty được giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán TNV.
Theo công bố, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại doanh nghiệp là 0%, do hoạt động kinh doanh của chủ thương hiệu xe đạp Thống Nhất liên quan đến một số ngành nghề chưa “mở cửa” cho nhà đầu tư nước ngoài.
Công ty Cổ phần Thống Nhất Hà Nội tiền thân là Nhà máy Xe đạp Thống Nhất, thành lập từ năm 1960 và là một trong những thương hiệu xe đạp lâu đời nhất Việt Nam. Đến năm 2017, doanh nghiệp này chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 237 tỷ đồng.
>> Xe đạp Thống Nhất bất ngờ chuyển mình, huyền thoại một thời vừa báo lãi lớn
Được biết, 3 cổ đông lớn nắm gần 99% vốn của Thống Nhất tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay. Trong đó, UBND TP. Hà Nội sở hữu 45% cổ phần, Công ty cổ phần đầu tư VSD nắm 41,68% và một cá nhân khác nắm 12,17%.
Là doanh nghiệp chuyển đổi từ công ty Nhà nước nắm 100% vốn, vì vậy Thống Nhất không có cổ đông sáng lập. Báo cáo tài chính cho thấy, trong hai năm gần đây, công ty đã bắt đầu có lãi trở lại.
Năm 2022, Thống Nhất ghi nhận doanh thu 142 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt gần 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2023, lợi nhuận ròng giảm mạnh xuống dưới 3 tỷ đồng dù doanh thu tăng lên hơn 176 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Thống Nhất dự kiến lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 2 tỷ đồng, phản ánh những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, công ty chỉ đạt được 300 triệu đồng lợi nhuận.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Thống Nhất đạt hơn 282 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là tài sản cố định. Nợ phải trả của công ty ở mức 70 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với đầu năm.
>> Doanh nghiệp sản xuất xe đạp Thống Nhất chuẩn bị lên sàn, bước chuyển mình của ‘huyền thoại thời bao cấp’
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/xe-dap-thong-nhat-bieu-tuong-mot-thoi-bao-cap-sap-duoc-giao-dich-tren-san-chung-khoan-171363.html