CTCP SDP (UPCoM: SDP) vừa thông qua quyết định phê duyệt thoái vốn tại Công ty TNHH Đầu tư khai thác Khoáng sản Sotraco. Động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh Công ty vô cùng khốn khó. Theo đó, việc thoái vốn nhằm mục đích không để tình hình tài chính của Sotraco ảnh hưởng đến tình hình chung của SDP cũng như để thu hồi một phần vốn góp.
HĐQT ủy quyền cho Tổng Giám đốc Phạm Trường Tam tìm kiếm khách hàng, đối tác để chuyển nhượng được phần vốn góp này làm sao để tối đa hóa lợi ích của Công ty đồng thời đối tác nhận chuyển nhượng phải chấp thuận thực hiện ký biên bản thỏa thuận để Sotraco ưu tiên khoản thanh toán công nợ phải trả đầu tiên cho SDP khi thu hồi được công nợ.
Sotraco thành lập từ năm 2009, hiện có trụ sở tại thành phố Hà Nội. Hoạt động chính của Sotraco là khai thác mỏ đá tại mỏ đá thuộc xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Từ năm 2017, Sotraco không có sản lượng và doanh thu từ các hoạt động kinh doanh khác nên Chi cục thuế quận Hà Đông đã cưỡng chế vì nợ đọng tiền cấp quyền khai thác, tiền thuê đất, tiền chậm nộp lên hơn 16 tỷ đồng. Số tiền nợ thuế tính đến năm 2023 hơn 30 tỷ.
Sotrado cũng chính là nguyên nhân khiến BCTC năm 2023 của SDP phải nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Theo kiểm toán A&C, do Sotraco đã dừng hoạt động từ nhiều năm trước nên không thể đưa ra ý kiến về số liệu kiểm toán được hợp nhất.
Giải trình về vấn đề này, SDP cho biết Sotraco ngừng hoạt động nhiều năm nay do việc khai thác mỏ đá gặp quá nhiều khó khăn như trữ lượng đất bóc phủ để thực hiện khai thác đá là quá lớn nên tốn rất nhiều chi phí, chưa kể còn vướng mắc về mặt bằng để trữ đất vì đất bóc phủ không được vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ. Khó khăn còn đến từ đường vận chuyển đá từ mỏ ra thị trường vì chỉ chạy được xe vận tải loại nhỏ, giá thành cao,…nên không cạnh tranh được với giá bán các đơn vị khác. Việc khai thác không hiệu quả, bị thua lỗ nên đã dừng từ năm 2014.
Tính đến cuối năm 2023, vốn điều lệ đăng ký của Sotraco 50 tỷ đồng nhưng thực góp chỉ khoảng 17,7 tỷ đồng (100% của SDP), còn vốn chủ sở hữu âm 12 tỷ đồng. Giá trị khoản đầu tư của công ty mẹ khoảng 33,6 tỷ đồng.
Lãnh đạo SDP kỳ vọng đơn giá thoái vốn không thấp hơn 100 đồng/cp do giá trị sổ sách đang âm 6.800 đồng/cp. Nếu thành công, SDP có thể thu về số tiền khoảng 177 triệu đồng.
Bản thân SDP cũng đang đối mặt rất nhiều khốn khó, Công ty lỗ liên tiếp nhiều năm liền. Tính đến thời điểm 31/12/2023, lỗ luỹ kế Công ty gần 204 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 57 tỷ đồng.
Theo SDP, các dự án của Công ty đã thi công dẫn tới tình trạng khó khăn trong sản xuất, khiến kết quả sản xuất kinh doanh vài năm trở lại đều thua lỗ. Công ty khó tiếp cận công việc mới vì bị suy giảm năng lực tài chính, khó khăn trong thu hồi vốn, trong quan hệ với tổ chức tín dụng,…
Chưa kể, một số khách hàng nắm rõ SDP đang khó khăn về tài chính nên cũng không gửi đối chiếu, xác nhận nợ phải thu tới Công ty để ký đối chiếu, xác nhận nợ và cũng không ký gửi đơn vị kiểm toán nên tỷ lệ chưa ký xác nhận công nợ phải trả còn cao.
Hiện SDP còn đang bị xếp hạng nợ nhóm 5 (mức xấu nhất) nên ngân hàng ngày càng thắt chặt việc cho vay và bảo lãnh nên muốn khai thác công việc mới mà có phát hành bảo lãnh thì phải có 100% tài sản thế chấp, ký quỹ.
Thậm chí, SDP cũng đang thực hiện nghĩa vụ thi hành 2 bản án dân sự của Công ty thép Phú Thắng và Công ty Eurowindow tại Chi cục thi hành án Hà Đông với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng nên rất rủi ro trong việc quản lý dòng tiền và tài sản.
SDP thừa nhận với công nợ hiện tại thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn đối mặt với nhiều vụ kiện như vậy. Đơn cử như Công ty xây dựng Minh Đức đã có bản án sơ thẩm, Công ty Colavi đã gửi hồ sơ khởi kiện ra tòa án.
Tổng tài sản đến cuối năm 2023 của SDP khoảng 232 tỷ đồng, riêng phải thu từ khách hàng 225 tỷ đồng; trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 60 tỷ đồng. Phía kiểm toán e ngại về khả năng hoạt động liên tục khi mà nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn.
Nguồn tin: https://cafef.vn/sdp-ban-thao-tai-san-mua-vao-34-ty-ban-ra-177-trieu-18824070711180953.chn