Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) hiện đang đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng từ tháng 5/2023 đến nay. Để giảm thiểu thiệt hại, công ty đã phải cắt giảm lao động, bán bớt tài sản và tìm kiếm lĩnh vực đầu tư mới, song vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ.
Giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Garmex Sài Gòn cho biết từ tháng 5/2023 đến cuối tháng 10/2024 doanh nghiệp không có đơn hàng may trang phục và đang thực hiện nghiên cứu đầu tư các ngành mới.
Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, GMC chỉ ghi nhận doanh thu hơn 474 triệu đồng, tương đương khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn doanh thu này đến từ cung cấp dịch vụ và thanh lý máy móc cũ. Mặc dù đã nỗ lực tiết giảm chi phí, tổng chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp của GMC vẫn vượt xa doanh thu, lên tới hơn 32 tỷ đồng, phần lớn là do khấu hao tài sản cố định.
Sau 9 tháng, GMC báo cáo lỗ gần 8 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên gần 82 tỷ đồng. Có thế thấy, trước tình hình này, việc thực hiện kế hoạch năm 2024 của GMC với doanh thu 50,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng là rất nan giải.
Doanh thu của Garmex Sài Gòn qua các năm. Đơn vị: Tỷ đồng
>> Sau cắt giảm 3.800 nhân sự, Garmex Sài Gòn (GMC) kinh doanh ra sao?
GMC đã từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành may mặc Việt Nam với 5 nhà máy, khoảng 3.800 nhân sự, hơn 70 dây chuyền sản xuất và doanh thu những năm trước đại dịch Covid-19 lên gần 100 triệu USD. Thời điểm đó, vốn hóa Garmex Sài Gòn đạt gần 1.000 tỷ đồng. Thời kỳ đỉnh cao năm 2018, GMC ghi nhận 2.045 tỷ đồng doanh thu và 120,9 tỷ đồng lợi nhuận ròng.
Tình hình kinh doanh khó khăn của Garmex Sài Gòn bắt đầu vào thời điểm sau Covid-19, xuất phát từ việc hụt thu từ đối tác CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex – GIL). Gilimex đã khởi kiện Amazon Robotics LLC vào cuối năm 2022 vì vi phạm cam kết, gây khó khăn cho các bên liên đới như Garmex Sài Gòn và Legamex. Cụ thể, vào tháng 4 và tháng 5/2022, Amazon đã thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó khiến Gilimex rơi vào tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Do tình hình kinh doanh khó khăn, công ty đã phải thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm mạnh lực lượng lao động, từ 3.800 người vào cuối năm 2021 xuống chỉ còn 31 nhân sự ở thời điểm hiện tại. Trước đó, trong năm 2023 và 2022, công ty đã lần lượt cắt giảm 1.947 và 1.828 nhân viên. Việc cắt giảm lao động là một trong những biện pháp chính mà công ty lựa chọn để giảm lỗ. Garmex Sài Gòn cho biết nếu giữ sản xuất tại các nhà máy khiến “công ty lỗ rất nhiều”.
Để ứng phó với tình hình, Garmex Sài Gòn đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục, bao gồm nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới và tiết giảm chi phí tối đa. Công ty cũng đang thúc đẩy công ty con hoàn thành dự án nhà ở Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhằm thu hồi vốn đầu tư.
Tình cảnh của GMC hoàn toàn trái ngược với xu hướng của ngành dệt may Việt Nam nói chung. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 27 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết đã có đủ đơn hàng cho cả năm 2024 và đầu 2025, đặc biệt là nhờ xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường không ổn định như Bangladesh. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam hưởng lợi từ nguồn đơn hàng quốc tế mới.
>> Công ty dệt may vừa cắt giảm 3.800 nhân viên đón tân Chủ tịch, chờ kỳ tích sau ‘cú đấm’ của Amazon
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/mot-doanh-nghiep-det-may-khat-don-hang-suot-18-thang-khanh-kiet-vi-1-quyet-dinh-cua-amazon-174422.html