Petrosetco (PET) vừa công bố BCTC quý 1/2023, ghi nhận doanh thu đạt 4.245,8 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty vào mức 182 tỷ đồng, giảm so với 199 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, chi phí lãi vay tăng mạnh, từ mức 28 tỷ lên hơn 71 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 40 tỷ đồng, giảm 55%.
Giải trình về kết quả trên, doanh thu thuần trong kỳ giảm 12% do tình hình kinh tế khó khăn, nên nhu cầu chung của thị trường đối với các sản phẩm điện tử, điện máy… giảm mạnh. Cùng với đó, chi phí lãi vay tăng cao và không còn đầu tư tài chính (quý 1/2022 PET vẫn còn lãi hơn 20 tỷ từ đầu tư chứng khoán) khiến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.
Năm 2023, PET đặt kế hoạch doanh thu 18.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 240 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, PET thực hiện được 16,5% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của PET đạt 10.156,5 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 4.280 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản.
Đáng chú ý, quý đầu năm nay PET đã bán hết danh mục chứng khoán.
Tại ĐHĐCĐ năm 2023 mới đây, lãnh đạo PET cũng đã thông tin Công ty không có kế hoạch đầu tư chứng khoán, nguồn vốn sẽ được tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và phân phối các ngành hàng chủ lực/tiềm năng của Công ty.
“Năm 2021, kết quả đầu tư chứng khoán rất tốt. Tuy nhiên, thị trường năm 2022 diễn biến rất xấu và dẫn tới thua lỗ. Điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh. Hiện Chúng tôi chưa có kế hoạch đầu tư chứng khoán trong giai đoạn sắp tới nữa. Khi thị trường tốt lên, Công ty sẽ bàn luận xem có đầu tư không”, ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch PET chia sẻ.
Thống kê lại cho thấy, từ năm 2020 PET tham gia đầu tư chứng khoán. Được biết, đây là giai đoạn đại dịch bùng phát, trong khi hoạt động cốt lõi bị đình trệ, nhiều đơn vị đầu tư chứng khoán và mang về nguồn thu đáng kể.
Riêng PET, năm 2020 giá trị danh mục đầu tư chứng khoán của Công ty hơn 68 tỷ đồng; thì sang năm 2021 Công ty tăng lên gần 232 tỷ đồng. Đỉnh điểm vào 30/6/2022, Công ty đầu tư 419 tỷ đồng, chiếm 5% tổng tài sản. Sau khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh vào quý 1/2022 và liên tục sụt giảm sau đó, PET cũng giảm quy mô đầu tư về chỉ còn hơn 10 tỷ đến thời điểm 31/12/2022.
Trong năm 2022, PET đã lỗ hơn 206 tỷ đồng đồng do đầu tư chứng khoán. Lúc bấy giờ, danh mục PET có mã EIB của Eximbank và DBC của Dabaco.