Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông N.Q (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết được một người quen tên N.V.T giới thiệu đầu tư vào một doanh nghiệp có tên Công ty TNHH Du lịch Việt Nam Easy Tour (gọi tắt là Easy Tour, địa chỉ ở TP Hà Nội). Chỉ cần gửi 10 triệu đồng trong vòng 14 ngày, nhà đầu tư sẽ nhận khoản lãi 896.000 đồng, tương đương lãi suất 20%/tháng hoặc 240%/năm.
Liên tiếp “tấn công”
Người tên N.V.T quảng cáo rằng Easy Tour đầu tư du thuyền và kinh doanh tour du lịch quốc tế nên lợi nhuận rất cao, có nguồn tiền để chia sẻ cho nhà đầu tư. T. liên tục gửi ông Q. đường link, yêu cầu tải ứng dụng (app) gửi tiền của Easy Tour và nộp thử số tiền 920.000 đồng để nhận cả gốc và lãi là 1,1 triệu đồng sau 1 ngày. Thấy ông Q. chưa “cắn câu”, T. tiếp tục gửi tin nhắn thúc giục ông đầu tư gói 10,8 triệu đồng, lãi 700.000 đồng và có thể rút ra sau 24 giờ.
Sau khi gửi hợp đồng điện tử để tạo lòng tin với ông Q. nhưng ông vẫn chưa xuống tiền, T. tiếp tục quảng cáo thêm nhiều gói đầu tư hấp dẫn hơn như gửi 10 triệu đồng thu lời 700.000 đồng trong vòng 8 tiếng, gửi 10 triệu đồng thu lời 4 triệu đồng trong 28 ngày… “Đầu tư vào chắc chắn sẽ có lời!” – T. cam kết.
Nghi ngờ các gói đầu tư này, ông Q. đề nghị T. thông tin thêm về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhưng T. từ chối với lý do “chủ công ty là người nước ngoài nên không tư vấn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ”. “Nhà đầu tư nào có gan thì tham gia, còn không thì mất cơ hội. Muốn có lợi nhuận cao phải chấp nhận rủi ro. Hàng trăm người đã đầu tư nên tôi mới giới thiệu, hướng dẫn. Tôi lấy uy tín và danh dự để cam kết” – người tên N.V.T khẳng định.
Theo N.V.T, Easy Tour có mã số thuế 01102265xx, người đại diện pháp luật là ông Trần Văn Hiếu. Tuy nhiên, khi tra cứu mã số thuế này trên website, chúng tôi nhận được thông tin công ty chỉ mới hoạt động từ ngày 10-1-2023 và người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Sen.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Easy Tour, bà Trịnh Nguyễn Lan Nhi, khẳng định công ty hoạt động từ năm 2018, không kinh doanh du thuyền hay kêu gọi đầu tư mà chỉ bán tour du lịch, cung cấp dịch vụ chơi golf, booking khách sạn… cho khách Hàn Quốc đến Việt Nam. Gần đây, Easy Tour gặp thiệt hại khi bị nhiều người dùng đánh giá mức độ tin cậy thấp trên Google. “Có một số người đã liên hệ với chúng tôi để hỏi về vấn đề đầu tư cũng như lý do không trả lãi. Đó cũng là lúc chúng tôi biết đã bị mạo danh. Đơn cử, khoảng 2 tuần trước, một người ở quận 3, TP HCM phản ánh cả gia đình gồm 11 người của ông đã đầu tư hơn 5,5 tỉ đồng, được tặng một chuyến du lịch Hàn Quốc nhưng khi về không được trả lãi như cam kết” – bà Nhi cho hay.
Chuyên gia kinh tế cũng bị mạo danh
Tình trạng mạo danh hình ảnh chuyên gia kinh tế, chuyên gia chứng khoán để mời gọi, dụ dỗ nhà đầu tư tham gia sàn chứng khoán, forex (ngoại hối), vàng… rồi lừa đảo hiện cũng không hiếm.
Mới đây, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết hình ảnh, tên tuổi của ông thường xuyên bị sử dụng trái phép để mời đầu tư chứng khoán trên nhiều diễn đàn, đội nhóm. Các đội nhóm này quảng cáo trên mạng xã hội Zalo, Facebook… rằng TS Nguyễn Trí Hiếu là “chuyên gia làm việc trong ngành tài chính tại Mỹ, Đức và Việt Nam trong 30 năm, là người sở hữu ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam…” nhằm lấy lòng tin của nhà đầu tư. Ông Hiếu phải vào từng trang quảng cáo mạo danh để đính chính thông tin, cảnh báo nhà đầu tư tránh sập bẫy, mất tiền oan. “Nhiều người gọi điện cho tôi để cầu cứu nhưng tôi không giúp được vì không biết những đối tượng lừa đảo này là ai, ở đâu? Có người bị lừa vài chục triệu đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng” – TS Nguyễn Trí Hiếu bức xúc.
Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cũng kể không ít lần bị mạo danh để mời chào nhà đầu tư vào các hội, nhóm chứng khoán; đầu tư hoặc bán sản phẩm, dịch vụ tài chính; hứa hẹn lợi nhuận cao, thậm chí “bao lời, bao lỗ”. “Có cả trường hợp các đối tượng dùng công nghệ deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra hình ảnh, video – PV) để tư vấn nhằm tăng độ tin cậy, chiêu dụ nhà đầu tư” – ông Khánh cảnh báo.
Nhiều công ty chứng khoán như SSI, VNDIRECT, MBS… đã liên tục khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng với những thủ đoạn mạo danh công ty chứng khoán để mời gọi nhà đầu tư tham gia đội, nhóm, mở tài khoản. Theo đó, các đối tượng giả danh nhân viên của công ty hoặc giả là công ty tài chính liên kết với các quỹ đầu tư để mời chào khách hàng đầu tư chứng khoán nhưng thực chất là lừa đảo, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Tỉnh táo trước quyết định đầu tư
Ông Lương Quốc Cường, Trưởng Phòng Quản lý tín dụng Tổ chức Tài chính vi mô CEP, chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lừa đảo gia tăng là nhiều người dân chưa có đầy đủ kiến thức, có tâm lý hám lợi và thiếu cảnh giác. Ông Cường lưu ý người dân tìm hiểu kỹ thông tin, tham vấn ý kiến của chuyên gia trước khi quyết định đầu tư để tránh rơi vào bẫy. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có kênh thông tin định kỳ về những đơn vị, app đầu tư được cấp phép để người dân tham khảo.
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam (VNCert), trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, đối tượng lừa đảo càng dễ dàng tạo ra các nền tảng để hoạt động. Cơ quan nhà nước chỉ xử lý khi nhận được phản ánh từ phía người dùng. Do đó, cần có quy định khắt khe trong kiểm duyệt, ngăn chặn các app, website lừa đảo.
Ông Phạm Đình Thắng, chuyên gia bảo mật, cho rằng tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân đã tạo cơ hội cho các đối tượng xấu tìm hiểu và đưa ra kịch bản chuyên nghiệp, đánh trúng tâm lý người dùng để lừa đảo. Bởi vậy, người dùng không nên chia sẻ thông tin lên các nền tảng mạng xã hội, cảnh giác với các chiêu thức kêu gọi đầu tư thu lợi nhuận cao.
Nguồn tin: https://cafef.vn/mao-danh-doanh-nghiep-ca-nhan-de-du-dau-tu-188231230171844003.chn