Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) mới đây đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán cho CTCP BCG Land (BCG Land) với mã chứng khoán là BCR. Theo đó BCG Land có vốn điều lệ 4.600 tỷ đồng, tương ứng 460 triệu cổ phiếu đăng ký lưu ký.
Trước “giờ G”, BCG Land đã hé lộ bức tranh tài chính không mấy lạc quan khi lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể, theo công bố thông tin định kỳ về tài chính gửi HNX, 6 tháng đầu năm 2023 BCG Land mang về 126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái (524 tỷ đồng).
Năm 2022, tình hình kinh doanh cũng kém sắc, Công ty thậm chí còn có nguy cơ thua lỗ nếu không thực hiện việc bán ra loạt tài sản, trong đó có vốn của các công ty con.
Theo BCTC hợp nhất năm 2022, BCG Land ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng mạnh 160% so với năm 2021 lên 1.132 tỷ đồng, trong đó hoạt động chuyển nhượng bất động sản và hợp đồng mua bán chiếm phần lớn với hơn 1.092 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính giảm đáng kể, trong khi các chi phí đồng loạt tăng mạnh. Kết quả, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của BCG Land giảm sâu 344 tỷ đồng, tương đương 52,1% so với năm 2021.
Trong năm qua, BCG Land đã:
+ bán phần vốn góp tương đương 90% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Pegas (với tổng giá chuyển nhượng là 378 tỷ đồng),
+ bán phần vốn góp tương đương 2% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp,
+ bán phần vốn góp tương đương 50,41% cổ phần tại Gia Khang với tổng giá trị chuyển nhượng là gần 1.286 tỷ đồng,
+ bán phần vốn góp tương đương 80% cổ phần tại CTCP Helios Đắk Nông với tổng giá chuyển nhượng là 160 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh trong năm của BCG Land cũng âm nặng. Trong đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty âm 1.193 tỷ đồng (trong đó đà tăng các khoản phải thu lên đến 2.572 tỷ đồng); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 90,2 tỷ đồng. Hoạt động duy nhất có dòng tiền dương là tài chính, chủ yếu đến từ việc Công ty nhận vốn góp của chủ sở hữu và cổ đông không kiểm soát, song cũng không đủ bù đắp.
Hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, tài sản BCG Land rất lớn với hơn 11.500 tỷ đồng. Song, số dư tiền mặt Công ty chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ, tương đương 0,2% tổng tài sản.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của BCG Land đạt 5.905 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,25 lần, tương ứng 7.381 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,42 lần, tương ứng 2.480 tỷ đồng.
Theo công bố tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu 6 tháng đầu năm 2023, BCG Land đang lưu hành 1 lô trái phiếu phát hành ngày 31/3/2021, tổng trị giá 2.500 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng. Trong kỳ, công ty phải trả hơn 150 tỷ đồng tiền lãi.
Được biết, BCG Land là thành viên phụ trách mảng kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG). Các dự án nổi bật của BCG Land là Resort Casa Marina tại Bình Định, Khu biệt thự và chung cư kết hợp thương mại King Crown Village tại Thảo Điền (TP HCM), Khu nghỉ mát Malibu MGM Hội An (Quảng Nam)…
Công ty được thành lập năm 2018, với vốn điều lệ ban đầu là 600 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty nâng vốn lên 1.000 tỷ đồng và năm 2020 tiếp tục nâng lên 2.000 tỷ đồng. Trong năm 2022, BCG Land thực hiện hai đợt tăng vốn liên tiếp vào tháng 3 (từ 2.000 tỷ đồng lên 2.700 tỷ đồng) và tháng 4 (từ 2.700 tỷ đồng lên 4.600 tỷ đồng) thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Tại ngày 27/7/2023, tổng số cổ đông của BCG Land là 356 cổ đông. Trong đó, 2 cổ đông lớn là Tập đoàn Bamboo Capital sở hữu 285,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 62,1%; CTCP Đầu tư Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) sở hữu 43,4 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 9,43%.
Sang năm 2023, BCG Land có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 8.600 tỷ đồng, trong đó phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ là trái phiếu 2.500 tỷ đồng (200 triệu cổ phiếu) và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu.
Về kinh doanh, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần năm nay vào mức 3.583 tỷ đồng và lãi sau thuế 685 tỷ đồng.