“Hệ thống giáo dục dạy con người để nghèo” là một trong những tuyên bố gây sốc nhất của tác giả Robert Kiyosaki trong tác phẩm “Cha giàu, cha nghèo”.
Thế nhưng đây chưa phải là những gì gây sốc nhất khi ông Kiyosaki thậm chí cho rằng việc làm công ăn lương thì chỉ mãi nghèo và các bạn trẻ theo đuổi đam mê chỉ phí thời gian nếu không có kế hoạch.
Cuốn sách được xuất bản năm 1997 này đã liên tục trở thành tác phẩm bán chạy nhất do New York Times bình chọn suốt 6 năm liền, được bán hơn 32 triệu cuốn với 51 ngôn ngữ khác nhau tại 109 quốc gia.
Con đường làm ‘nghèo’
“Thực chất, hệ thống giáo dục dạy con người để ‘nghèo’ bởi nó được thiết kế để dạy chúng ta trở thành một người làm công ăn lương chứ không bao giờ dạy chúng ta về tiền bạc. Có một sự thật mà tôi phải nói là nếu muốn nghèo, bạn hãy đi học còn nếu muốn giàu có và hạnh phúc thì đừng làm như vậy”, tác giả Kiyosaki khuyên nhủ
Tác giả Robert Kiyosaki: “Khoảnh khắc bạn nhận lương, bộ não của bạn coi như đã chết”
Theo tác giả này, toàn bộ xã hội, gia đình đều mong muốn con cái đi học chăm chỉ và kiếm một công việc tốt, đảm bảo sự nghiệp sau này. Thế nhưng báo cáo của BGI mới đây cho thấy một nửa số sinh viên ra trường đang làm những công việc chẳng liên quan đến những gì đã học trên lớp.
Tệ hơn, vô số những người làm công ăn lương bị sa thải trong cơn bão cắt giảm chi phí năm 2023 đều là người có học, tốt nghiệp những trường danh giá nhưng cũng chẳng tránh thoát khỏi việc bị đuổi.
Thậm chí một số lao động may mắn trúng xổ số giàu lên nhanh chóng thì cũng gặp không may khi bị người thân bòn rút, hoặc khánh kiệt sau vài năm vì không biết chi tiêu.
“Không được đào tạo về tài chính là lý do tại sao hầu hết mọi người không thể thành công làm giàu. Có rất nhiều thứ bạn được dạy ở trường đều khiến bạn nghèo đi”, tác giả Kiyosaki nói.
Theo Kiyosaki, người lao động đi theo con đường học hành sẽ mãi nghèo với tư duy cố hữu.
Trường lớp dạy con người nên tránh các sai lầm hết mức có thể để duy trì công việc được trả lương, nhưng mọi người sẽ chẳng học được gì và cũng khó trưởng thành nếu không thử và mắc lỗi. Hầu hết những người lao động ngày nay đều chưa thể giàu là vì họ thất bại quá ít, học hỏi được quá ít từ những sai lầm trước đây.
“Khi tôi trả tiền cho bạn và bạn nhìn nhận mình là một người làm thuê, bạn đã sập ‘bẫy’ của cái nghèo. Khoảnh khắc bạn nhận lương, bộ não của bạn coi như đã chết. Bạn sẽ chỉ chịu động não khi lâm vào bước đường cùng”, ông Kiyosaki cho hay.
“Chúng ta đều sợ thất bại nhưng thất bại là cách để chúng ta thành công”, tác giả “Cha giàu, cha nghèo” bổ sung.
Đừng sợ hãi hay lười biếng
Phần lớn người lao động hiện nay không dám thử và học hỏi từ thất bại là do sợ hãi, lười biếng hoặc bị uốn nắn quá sâu từ ghế nhà trường lẫn trong gia đình rằng không được mắc lỗi.
Thế nhưng theo Kiyosaki, đây chính là rào cản thoát nghèo cho những người lao động bình dân.
Đầu tiên, rất nhiều nhân viên tầm thường nói rằng họ không thể làm điều này, làm thứ kia vì thực chất là họ chưa chịu động não suy nghĩ, tìm ra cách đạt được điều mình muốn.
Nhà sáng lập hãng ô tô Ford từng nói: “Cho dù bạn nghĩ mình có thể hay không thể làm được điều gì đó thì bạn bao giờ cũng đúng”.
Bởi vậy, việc mở tâm trí đón nhận thử thách là điều cực kỳ quan trọng vì khi não bộ nhắc đi nhắc lại rằng “Tôi không thể” thì bạn sẽ trở thành kẻ thất bại đúng như những gì bạn nghĩ.
Điều này cũng tương tự như khi tự lừa dối bản thân rằng: “Tiền không quan trọng với mình” thì đúng là tiền chẳng quan tâm đến bạn thật.
Ai trong số chúng ta cũng có nỗi sợ. Quan trọng là cách bạn đối diện với nó. Einstein từng nói rằng: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức nhưng kiến thức sẽ truyền sức mạnh cho trí tưởng tượng”.
Bởi vậy bước đầu tiên để làm giàu không phải là cố kiếm một tấm bằng hay tàn phá sức khỏe cho một công việc lương cao, mà là từ bỏ sự sợ hãi, lười biếng để thay đổi bản thân, tư duy, dám thử và sai để tìm hướng đi thích hợp nhất cho bản thân.
Đừng chạy theo đam mê quá nhiều
Dù tác giả Kiyosaki khuyến khích mọi người “dám thử và sai” nhưng ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thời gian và tuổi trẻ trong bối cảnh rất nhiều người chỉ chạy theo đam mê mà chẳng có kế hoạch gì.
Vị tỷ phú nhấn mạnh một trong những sai lầm lớn nhất của những người trẻ hiện nay là “Tôi không cần phải lo lắng vì tôi vẫn còn trẻ”. Đó là lỗi sai “chết người” mà hầu hết mọi người hay vấp phải.
“Cuối cùng, bạn già đi và không còn trẻ nữa”, ông nói thêm. Kiyosaki nhận định rằng thời gian là một trong những tài sản đồng thời là khoản nợ quan trọng nhất trong cuộc đời.
Theo Kiyosaki, nhiều bạn trẻ ngày nay chạy theo lối sống vật chất, cố kiếm tiền để hưởng thụ thay vì đảm bảo tài chính lâu dài và tích lũy tài sản.
Sự phấn khích này như một con dao 2 lưỡi khi thúc đẩy con người vượt qua sợ hãi lẫn lười biếng nhưng cũng khiến các bạn trẻ thờ ơ với việc lập kế hoạch và trau dồi kiến thức tài chính.
Tác giả “Cha giàu, cha nghèo” cho hay rất nhiều người trẻ bị mắc kẹt ở giai đoạn lên kế hoạch. Mọi người muốn kiếm thật nhiều tiền, chạy theo đam mê, từ bỏ công việc hiện có và đi vay tiền khởi nghiệp mà chẳng có một kế hoạch rõ ràng hay dự phòng khi thất bại.
Cách tiếp cận này, mặc dù đầy tham vọng nhưng lại thường bỏ qua tầm quan trọng của việc hiểu rõ các con đường tài chính khác nhau.
“Sai lầm lớn mà tôi thấy người trẻ mắc phải là họ tập trung vào việc muốn làm những gì họ yêu thích”.
Đối với ông, hành trình đi đến độc lập tài chính bao gồm việc tìm hiểu về thuế, nợ, bảo hiểm và nhiều kỹ năng khác để đạt được mục tiêu tự do tài chính.
Những kỹ năng này hầu như không được đào tạo bài bản ở trường lớp trong khi giới trẻ ngày nay chỉ chạy theo đam mê hay những đồng tiền để hưởng thụ mà quên đi việc trau dồi kiến thức.
Người giàu không tham lam, kẻ nghèo thì có
“Hai câu nói ưa thích của người có tư duy nghèo là ‘Tôi sẽ không bao giờ giàu được’ và ‘Người giàu rất tham lam’. Theo tôi, người nghèo mới là kẻ tham lam. Có một thực tế là nếu muốn trở nên giàu có, trước tiên bạn phải cho đi. Tôi viết sách để truyền tải thông tin, đầu tư bất động sản và cho thuê, tạo công ăn việc làm cho người khác… Nhờ đó tôi mới giàu có. Còn người nghèo không tạo ra hay cho đi cái gì cả. Họ chỉ muốn làm thế nào để bản thân hưởng lợi nhiều nhất”, tác giả Kiyosaki cho hay.
Đây là một quan điểm nữa gây tranh cãi của ông Kiyosaki khi những người chỉ trích cho rằng người giàu hay có hành vi trốn thuế, lách luật để hưởng lợi so với tầng lớp bình dân.
Tất nhiên ai cũng có ý đúng, nhưng rõ ràng việc Robert Kiyosaki thành công bằng con đường làm giàu của mình khiến ý kiến của ông được nhiều người chú ý và tôn trọng hơn.
“Tôi đang kiếm được hàng triệu USD. Số tiền tôi kiếm được trong một ngày lớn hơn nhiều người kiếm được cả đời”, tác giả Kiyosaki cho hay.
*Nguồn: Tổng hợp
Nguồn tin: https://cafef.vn/khoanh-khac-nhan-luong-ban-da-bi-sap-bay-cai-ngheo-loi-khuyen-tham-thia-cua-tac-gia-cha-giau-cha-ngheo-cho-nhung-ai-muon-lam-giau-188240224090512496.chn