Nợ khó thu, khó đòi lớn
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 gửi Quốc hội. Theo cơ quan này, năm 2022 đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) và công ty .
Kết quả kiểm toán cho thấy 19/20 TĐ, TCT, công ty sản xuất kinh doanh có lãi; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao. Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.
Trong đó, phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước (NSNN) nên qua kiểm toán điều chỉnh tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu NSNN 1.411 tỷ đồng, giảm thuế GTGT được khấu trừ 8,78 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, hàng loạt TĐ, TCT bị nhắc vì quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, trong đó công ty mẹ – Vinafor 86,78 tỷ đồng; Công ty mẹ – TCT Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam 4,21 tỷ đồng; Công ty mẹ – SCPC 42,3 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, một loạt TĐ có số nợ khó đòi lớn được điểm tên, đứng đầu là Vinafood1: Văn phòng Công ty mẹ 2.537,98 tỷ đồng, Công ty TNHH Lương thực Phương Đông 28,26 tỷ đồng, Công ty CP Lương thực Lương Yên 21,02 tỷ đồng, Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh 11,48 tỷ đồng, Công ty CP Lương thực Thanh Hóa 5,03 tỷ đồng, Công ty CP Lương thực Đông Bắc 3,50 tỷ đồng, Công ty CP Lương thực Yên Bái 1,69 tỷ đồng.
Nhiều đơn vị mất an toàn tài chính
KTNN chỉ ra hàng loạt TĐ, TCT có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, trong đó “họ” Vicem như: Vicem Tam Điệp, Vicem Hạ Long, Vicem Sông Thao; hay Vinafood1 có: Công ty CP Lương thực Hà Bắc, Công ty CP Lương thực Nam Định, Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty CP Lương thực Bình Trị Thiên, Công ty CP Lương thực Lương Yên, Công ty Liên doanh sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo; hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt EVN: Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1.
Cũng theo KTNN, còn một số đơn vị đầu tư không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp như Công ty mẹ – Vinafood1 có 7 công ty con và 2 khoản đầu tư khác không chia cổ tức trong năm 2021 do lợi nhuận thấp và 8 công ty con chia cổ tức với tỷ lệ 0,69%/tổng giá trị đầu tư.
EVN có TCT Điện lực miền Bắc không được chia cổ tức từ khi đầu tư (năm 2005) vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 3; còn với TKV, 3 công ty con và 3 công ty liên doanh, liên kết chưa chia cổ tức do lợi nhuận không đủ để chia cổ tức hoặc còn lỗ lũy kế…
Kinh doanh, đầu tư thua lỗ nghìn tỷ đồng
Theo KTNN, trong năm 2021 nhiều TĐ, TCT kinh doanh thu lỗ. Điển hình là Công ty mẹ – VIMC có 10 công ty con lỗ lũy kế đến 31/12/2021 là 1.677 tỷ đồng. Hay như Công ty mẹ – Vinafood1, có 9/24 công ty con lỗ lũy kế 381,86 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty mẹ – Vicem, có 5/17 công ty con lỗ lũy kế 4.958 tỷ đồng; Công ty mẹ – TKV, 3 công ty con lỗ lũy kế 386,84 tỷ đồng (trong đó 2 công ty con năm 2021 không hoạt động) và 1 công ty thành lập để thực hiện dự án đầu tư nhưng đang tạm dừng đầu tư dự án. Công ty mẹ – VNPT, có 4/24 công ty con lỗ lũy kế 177,4 tỷ đồng.
Về đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác, KTNN chỉ ra hàng loạt đơn vị gặp thua lỗ hoặc có khả năng mất vốn, trong đó Vinataba có 2 khoản đầu tư lỗ lũy kế 158,67 tỷ đồng.