Sau COVID-19, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã chậm lại so với tốc độ kỷ lục vào năm 2021, với tổng số thương vụ trong năm 2022 giảm 3% từ 142 còn 138. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ vẫn tăng nhẹ 6% so với con số ước tính năm 2021, đạt 5,7 tỉ USD (theo Mergermarket).
Những thương vụ lớn
Trong hơn một năm nay, tận dụng giai đoạn thị trường đang trầm lắng, một số doanh nghiệp (DN) đã mạnh tay chi tiền M&A nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh.
Năm 2022 ghi nhận nhiều thương vụ M&A đáng chú ý. Đơn cử, trong ngành thực phẩm và đồ uống, Công ty TNHH Swire Coca-Cola (công ty con của Công ty TNHH Swire Pacific) đã mua lại Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam với giá 1,01 tỉ USD. Cũng trong năm này, một thương vụ đáng chú ý khác là Masan Group mua 65% cổ phần của Phúc Long Heritage với giá 260 triệu USD, nâng tỉ lệ sở hữu lên 85%. Chỉ một năm sau khi về tay Masan, định giá của Phúc Long tăng lên gần 450 triệu USD.
Đến đầu năm 2023, lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng (F&B) tiếp tục “nóng” với việc Công ty CP Tập đoàn KIDO thông báo sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Thọ Phát – đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Bánh bao Thọ Phát. Dù không tiết lộ giá trị thương vụ, KIDO cho biết đây là khoản đầu tư lớn. Thương vụ này đồng thời đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của KIDO trong lĩnh vực chế biến bánh, dần hiện thực hóa mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam, sau Mondelez Kinh Đô Việt Nam (thuộc Tập đoàn Mondelez International, Mỹ).
Hoạt động M&A cũng diễn ra sôi động ở một số lĩnh vực khác. Trong 4 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang liên tiếp thực hiện 2 thương vụ lớn: Đầu tháng 2, Hóa chất Đức Giang chi ra gần 135 tỉ đồng mua vào 3,4 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) để nâng sở hữu từ 0% lên 51% vốn điều lệ từ 2 cá nhân. Đến giữa tháng 4, Hóa chất Đức Giang tiếp tục thông báo sẽ chi 635 tỉ đồng để mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Phốt Pho 6, dự kiến thương vụ sẽ diễn ra trong quý II/2023.
Ngân hàng “nóng” chuyện sáp nhập
Mùa đại hội cổ đông ngân hàng (NH) năm 2023 vừa diễn ra, hoạt động M&A là một trong những nội dung được quan tâm. Không chỉ những NH thuộc diện chuyển giao bắt buộc, mà một số NH thương mại khác cũng có nhu cầu sáp nhập thêm NH khác vào để tăng nguồn lực tài chính, mạng lưới, thị phần, tăng sức cạnh tranh…
Tại đại hội cổ đông của NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây, cổ đông cũng đặt vấn đề về việc VPBank có nằm trong nhóm những NH tham gia tái cấu trúc NH yếu kém và có cơ hội được nới room ngoại lên 49% không? Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, cho biết VPBank là 1 trong 4 NH tham gia vào tái cơ cấu các NH yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. Không chỉ được quan tâm trong việc sẽ tham gia tái cơ cấu một NH yếu kém, VPBank còn được chú ý sau thương vụ bán 15% vốn cổ phần cho NH Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản thông qua đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Thỏa thuận này chính thức đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank. Với khoản đầu tư chiến lược của SMBC lần này, VPBank sẽ trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Nền tảng vốn lớn cho phép VPBank có đủ năng lực tài chính để phục vụ những DN có quy mô rất lớn, đặc biệt là những DN FDI, các tập đoàn đa quốc gia đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại đại hội cổ đông của một số NH khác như Vietcombank, MSB, MB, TPBank, HDBank… vấn đề mua bán, sáp nhập hoặc nhận chuyển giao bắt buộc một NH khác, mua bán thêm công ty con, công ty chứng khoán cũng được đề cập. Hiện có 4 NH thương mại yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bao gồm: NH Đông Á (DongABank), NH Xây dựng Việt Nam (CBBank), NH Đại Dương (OceanBank) và NH Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Nhiều doanh nghiệp bất động sản hợp tác đầu tư để cùng phát triểnẢnh: HOÀNG TRIỀU
Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị thâu tóm
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định thị trường M&A sẽ tiếp tục trạng thái giằng co, trầm lắng trong quý II và III, khả năng bắt đầu khởi sắc từ quý IV/2023. “Diễn biến không tích cực của thị trường M&A một phần do thị trường đầu ra tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu đều giảm mạnh, hầu hết DN rơi vào khó khăn, một bộ phận DN đúng cửa ngừng hoạt động” – ông Quang nêu thực trạng.
Bên cạnh bức tranh sáng màu của xu hướng M&A, vẫn có những nỗi lo trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN chưa kịp phục hồi đã tiếp tục gặp khó. Tại hội nghị ngành NH góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh Vùng Đông Nam Bộ vừa diễn ra, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết qua nhiều lần làm việc trong các tháng đầu năm, có 5 vấn đề HUBA phản ánh như gần 50% số DN sản xuất cầm chừng để giữ lao động và nhiều DN không có nhu cầu tín dụng. DN gặp khó do thu hồi vốn từ hàng bán chậm. Lãnh đạo nhiều NH thương mại cũng nhìn nhận, nhu cầu tín dụng trong những tháng đầu năm nay không cao vì “DN không biết vay vốn để làm gì” khi đơn hàng xuất khẩu suy giảm, sức tiêu thụ kém, phải cắt giảm nhân sự, cho công nhân nghỉ bớt việc. Thậm chí, một số DN phải tuyên bố phá sản.
Chỉ riêng tại TP HCM, số lượng DN tạm ngừng hoạt động trong quý I tăng ở mức 2 con số so với cùng kỳ. Thực tế, khó khăn về dòng tiền khiến nhiều DN lớn phải bán tài sản với giá rẻ. Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kinh tế – xã hội mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng nhiều DN lớn đã phải bán tài sản với giá chỉ bằng 50% giá trị thực và người mua là DN nước ngoài.
Theo một số chuyên gia, đây là thực tế đáng lo, nhất là với những thương hiệu Việt đã có mặt nhiều năm trên thị trường. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 12-5, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Ban Kinh tế trung ương, nhận định nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào nền kinh tế qua M&A cho thấy họ đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam đáng để họ rót vốn. Khi các DN thiếu vốn và cần tìm kiếm nhà đầu tư thì dòng vốn ngoại cũng cần được quan tâm. Bản thân nhiều DN Việt cũng kiến nghị Chính phủ triển khai các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN về vốn, tín dụng, giảm lãi suất cho vay… để DN sớm phục hồi, chống chịu được trước các cú sốc và tránh tình trạng “DN trong nước bị rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài với giá rẻ và không DN nào muốn bán mình cho đơn vị khác”.
Xu hướng mở rộng hợp tác lĩnh vực bất động sản
Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản nổi bật nhất gần đây phải kể đến thương vụ lớn của các tập đoàn hàng đầu. Điển hình là mối lương duyên của Công ty CP Vinhomes và Capitaland. Dự án đã mang lại nguồn thu lớn cho Vinhomes.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Vinhomes cho thấy công ty này đã có lợi nhuận lớn từ hoạt động M&A. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 11.300 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Nguồn thu này chủ yếu đến từ thu nhập chuyển nhượng các khoản đầu tư vào công ty con đang sở hữu một phần các dự án bất động sản – được biết đến như là hoạt động bán buôn – ghi nhận 8.550 tỉ đồng. Vào cuối tháng 3, Vinhomes đã công bố chuyển nhượng 2 công ty con có liên quan đến các dự án Ocean Park 2 và 3.
Ngoài ra, thống kê của trang Batdongsan.com.vn thì hoạt động M&A, mở rộng hợp tác đang trở thành xu hướng của các chủ đầu tư lớn tại Việt Nam và các chủ đầu tư nước ngoài. Điển hình như Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền hợp tác với Công ty Keppel Land phát triển các khu đô thị bền vững tại TP HCM; Tập đoàn Frasers Property Vietnam hợp tác cùng Công ty CP Tập đoàn Gelex triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc Việt Nam. ESR Group Limited, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á Thái Bình Dương (APAC) đã dẫn đầu nhóm nhà đầu tư rót vốn vào Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW (BW Industrial) với quy mô tới 450 triệu USD.
S.Nhung