CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc trả cổ tức năm 2022. Cụ thể, Golden Gate sẽ chốt quyền trả cổ tức còn lại bằng tiền với tỷ lệ 192%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận về 19.200 đồng.
Nguồn tiền thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty trên BCTC năm 2022 (1.390 tỷ đồng). Ngày chốt quyền là ngày 16/10 tới đây.
Đồng thời công ty cũng thông báo về việc thực hiện chi trả cổ tức đợt 1 năm 2022 tỷ lệ 65% bằng tiền mặt mà công ty đã chốt quyền thực hiện trước đó. Thời gian thực hiện chi trả là ngày 30/11.
Như vậy tổng tỷ lệ trả cổ tức năm 2022 của Golden Gate là 257%. Vốn điều lệ hiện tại của công ty là 76,9 tỷ đồng. Như vậy doanh nghiệp này sẽ chi ra tổng cộng 197,6 tỷ đồng để trả số cổ tức trên.
Ngoài ra Golden Gate dự kiến phát hành 68.807 cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Giá trị phát hành theo mệnh giá 688.070.000 đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên từ cấp 3 trở lên thuộc công ty hoặc thuộc đơn vị thành viên và đóng góp đáng kể cho sự phát triển.
Lãi đậm trong năm 2022
Năm 2022, Golden Gate đạt lợi nhuận kỷ lục.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã ghi nhận doanh thu 6.965 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2021 – năm đại dịch bùng nổ. Trong đó, doanh thu của Golden Gate chủ yếu đến từ thực phẩm và đồ uống với 6.955 tỷ đồng. Biên lãi gộp của đơn vị này cũng ở mức cao với con số 62%.
Sau khi trừ chi phí, Golden Gate lãi ròng 658,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 430,7 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 48,6%. EPS đạt 86.360 đồng/cổ phiếu.
Chia sẻ về lý do lãi lớn trong năm 2022, bà Lan Nguyễn – CFO Golden Gate – cho biết ngành F&B, nhà hàng có những thay đổi rất nhanh thời gian qua. “Bắt đầu từ năm 2022, sau Covid-19 thì thị trường bất ngờ ghi nhận tăng trưởng nóng. Gần như nhà hàng nào sau Covid cũng đông khách , thậm chí muốn đi ăn phải đặt bàn trước . Và mức tăng trưởng này theo từ chuyên môn hiểu là ‘bay vút lên trên trời'”, bà Lan nói.
Tại thời điểm thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Golden Gate đạt 2.943 tỷ đồng. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của doanh nghiệp này là hàng tồn kho với mức 810 tỷ đồng.
Nợ phải trả của công ty là 1.588 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính ở mức 733,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 1.354 tỷ đồng.
Xét đến cơ cấu cổ đông của Golden Gate, theo báo cáo quản trị của công ty 6 tháng đầu năm 2023, Golden Gate Partners đang là cổ đông lớn nhất nắm khoảng 3,4 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ sở hữu vốn chiếm 43,79%. CTCP Golden Gate Partners thành lập từ tháng 6/2014, hiện do ông Trần Việt Trung đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc.
Chủ tịch HĐQT Golden Gate Trần Việt Trung giảm sở hữu từ 4,43% về 2,28%, Thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Trường giảm từ 3,98% còn 3,05%. Trong khi đó Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đào Thế Vinh tiếp tục là cổ đông lớn và tăng tỷ lệ sở hữu từ 5,11% lên 5,2% vốn.
Hồi tháng 3/2023, cơ cấu cổ đông Golden Gate còn có sự thay đổi khi xuất hiện nhóm cổ đông từ Singapore là Temasek, Seatown Private Capital Master Fund và Periwinkle Pte Ltd sau khi nhận chuyển nhượng gần 36% vốn Golden Gate từ một nhóm cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, Seletar Investments Pte Ltd (trực thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings của Chính phủ Singapore) mua hơn 1,5 triệu cổ phần. Tiếp đến là Seatown Private Capital Master Fund mua 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd. mua 436.358 cổ phần.
Về bên chuyển nhượng, tổ chức Prosperity Food Concepts Pte Ltd – cổ đông có 2 người nội bộ là thành viên HĐQT Thomas Lanyi và Rodrigues Carl Peter (miễn nhiệm ngày 15/3), thoái toàn bộ 2,5 triệu cổ phần tương đương 32,9% vốn.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Trần Việt Trung bán 161.871 cổ phần (2,12% vốn) trong tổng số 337.891 cổ phần. Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Tường bán 69.373 cổ phần (0,9% vốn) trong tổng số 304.115 cổ phần.
Với sự tham gia của cổ đông nước ngoài, Golden Gate đang không ngừng mở rộng quy mô của mình. Khởi đầu với thương hiệu lẩu nấm Ashima, đến hết năm 2022 Golden Gate sở hữu hơn 23 thương hiệu cùng gần 450 nhà hàng đa phong cách trên 50 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ cho khách hàng trẻ), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nướng (Gogi House, Sumo BBQ), pizza cho giới trẻ (Cowboy Jack’s), chuỗi nhà hàng bia (Vuvuzela, Citybeer Station)…
Trong tháng 8 vừa qua, thị trường F&B lại chào đón thêm một thương hiệu trà sữa mới tại Hà Nội, có tên Universal Tea. Cửa hàng đầu tiên đặt tại chân một tòa nhà văn phòng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), với diện tích mặt bằng lớn, thiết kế nhã nhặn, nhiều chỗ ngồi. Đáng chú ý, Universal Tea nằm trong danh sách các thương hiệu được công bố trên website chính thức của Golden Gate.
Ngoài việc mở nhãn hiệu trà sữa, Golden Gate còn có kế hoạch triển khai mở rộng hoạt động sang mảng bán lẻ và đầu tư ra nước ngoài. Tháng 11/2022, Hội đồng quản trị Golden Gate đã công bố đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập công ty tại nước ngoài số vốn đầu tư hơn 4 triệu USD. Mục đích kinh doanh là tư vấn, nhượng quyền thương mại, vận hành nhà hàng, phân phối thực phẩm.
Tuy nhiên, năm nay doanh nghiệp này lại đặt mục tiêu khá thận trọng. Cụ thể, công ty lên kế hoạch doanh thu 2023 tương đương năm 2022, khoảng 6.887 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận dự kiến giảm tới 75%, xuống chỉ còn 167 tỷ đồng.