Báo cáo mới nhất từ UOB ghi nhận, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã tăng tốc mạnh hơn lên 5,33% so với cùng kỳ trong quý 3/2023. Mức tăng trưởng này được hỗ trợ từ sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu thương mại, sản xuất và tiêu dùng nội địa, sau khi gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2023.
Dữ liệu công bố trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11 một lần nữa khẳng định rằng các hoạt động kinh tế đã ổn định và trong một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt so với nửa đầu năm. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,1% so với cùng kỳ trong tháng 11 từ mức 7% trong tháng 10 và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 5. Sản lượng sản xuất đã tăng tốc không ngừng kể từ khi ghi nhận mức âm vào tháng 5, cho thấy động lực tăng trưởng của ngành có thể sẽ kéo dài đến năm 2024…
Mặt khác, việc cắt giảm lãi suất từ ngân hàng trung ương (NHNN) giúp giảm chi phí kinh doanh, trong khi Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Một báo cáo gần đây cho thấy Việt Nam đã quyết định cắt giảm 2 điểm phần trăm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30/6/2024; tuy nhiên sẽ có một số nhóm ngành không được giảm thuế.
“Những biện pháp này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và sẽ khuyến khích tăng trưởng sản xuất và kinh doanh cao hơn nữa . Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại – dịch vụ trên cả nước theo đó cũng đã diễn ra khá sôi động, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, đặc biệt với nhóm hàng tiêu dùng, thời trang, gia dụng ”, UOB nhấn mạnh.
Ở phía doanh nghiệp, các bên cũng đang tất bật chuẩn bị hàng đón sóng mua sắm cuối năm. Khi, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn năm 2024, trước tình hình hiện nay những mặt hàng thiết yếu được dự đoán sẽ được ưu tiên mua sắm trong mùa Tết. Ngoài ra, xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở phân khúc tầm trung hoặc nhiều khuyến mại hơn sẽ chiếm ưu thế so với xu hướng cao cấp hóa theo nhiều cuộc khảo sát được thực hiện.
Mặt khác, với sự bùng nổ của social marketing, sự phát triển mạnh mẽ của những nền tảng thương mại điện tử, xu hướng công nghệ và quá trình chuyển đổi số, cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sau đại dịch, E-shopping sẽ là xu hướng mua sắm lên ngôi trong mùa Tết 2024, cũng như trong thời gian tới.
Nhận định về thị trường mùa Tết năm nay, ông Bùi Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng Giám đốc CTCP Dầu thực vật Tường An cho biết: “Nhu cầu mua sắm trong dịp Tết cổ truyền vẫn sẽ được người tiêu dùng quan tâm bởi đây vẫn là truyền thống đặc trưng, là mùa lễ hội lớn nhất của người Việt. Theo tôi, người tiêu dùng năm nay sẽ có xu hướng mua sắm thông minh, tập trung vào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống. Tương tự, các doanh nghiệp tặng quà Tết cho nhân viên cũng tập trung chọn nhóm sản phẩm thiết yếu để nhân viên có thể sử dụng hàng ngày ”.
Về phía Tường An, như mọi năm, hiện nhà máy tập trung công tác sản xuất, điều phối nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu và sức mua lớn trong dịp Tết; đồng thời có nguồn cung dự trữ, đảm bảo bình ổn giá cho người tiêu dùng. Nhìn nhận xu hướng mua sắm đã thay đổi khá nhiều sau đại dịch, Công ty bên cạnh tận dụng triệt để hệ thống 450.000 điểm bán, đối tác B2B cũng đẩy mạnh kết hợp với các nền tảng thương mại điện tử, kênh mua sắm giải – xúc tiến thương mại E2E trên TikTok để bán hàng.
Còn theo ghi nhận của hệ thống Wincommerce, các tháng cuối năm nhu cầu mua sắm thường tăng cao hơn các tháng khác trong năm (trung bình tăng 20%). Cuối năm luôn là mùa của những dịp lễ hội lớn, tiệc công ty, hội họp gia đình và bè bạn, nên nhìn chung đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cao nhất trong năm. Ngoài ra, GDP tăng trưởng và các ngành chủ chốt (bán lẻ, tiêu dùng nhanh, ngành hàng chăm sóc cá nhân, chăm sóc nhà cửa…) có dấu hiệu phục hồi đã tạo niềm tin về thị trường, đồng thời khôi phục mức độ sẵn sàng chi tiêu và đầu tư của người tiêu dùng.
Do đó, WinCommerce dự đoán nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao kể từ tháng 11, đây là thời điểm hệ thống triển khai chuỗi sự kiện ưu đãi mừng sinh nhật, kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng. Theo kinh nghiệm chung của ngành bán lẻ và kinh nghiệm triển khai các hoạt động trong năm ngoái, sức mua tăng đáng kể vào cuối năm. Cụ thể doanh thu tăng 15-20% so với giai đoạn thường, và hàng hóa tăng 20-30% số lượng để phục vụ cung ứng.
“Các mặt hàng sẽ “chiếm sóng” dịp cuối năm sẽ là thực phẩm (bánh kẹo, đồ khô) hay đồ uống – những mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, các sản phẩm ăn uống hữu cơ, chất lượng cao cũng được người dân quan tâm tìm kiếm, chiếm tới 62,3% lựa chọn khi được khảo sát. WinCommerce đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp cuối năm từ 2-3 tháng trước, bao gồm hợp tác thu mua sản lượng lớn với các tỉnh, địa phương, các nhà cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng hàng hóa, đồng thời triển khai các chương trình ưu đãi kích cầu tiêu dùng” , đại diện Wincommerce cho biết thêm.
Cùng quan điểm, phía Orion cho hay: “Thị trường bánh kẹo mùa Tết vẫn sẽ tăng trưởng hơn so với 3 quý đầu năm 2023, và sẽ tăng trưởng từ 5-10% so với cùng kỳ Tết 2022. Tuy nhiên, nhu cầu và thói quen mua sắm mùa Tết của người tiêu dùng sẽ thay đổi, họ sẽ cẩn trọng hơn và tiêu dùng thông minh hơn. Người tiêu dùng sẽ chỉ lựa chọn những sản phẩm có uy tín, giá cả hợp lý với mục đích chi tiêu rõ ràng”.
Năm nay, Orion dự kiến cung cấp cho thị trường 32.000 tấn bánh kẹo mùa Tết, phục vụ và đáp ưng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng Việt.