Gia vị là một phần không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam. Với nền ẩm thực phong phú và đa dạng, Việt Nam có rất nhiều loại gia vị đặc trưng, góp phần tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn cho các món ăn.
Theo báo cáo của Euromonitor, quy mô thị trường gia vị tại Việt Nam có giá trị khoảng 33.500 tỷ đồng, trong đó 64% là đến từ phân khúc nước chấm. Cụ thể, nước mắm chiếm vị trí dẫn đầu với quy mô 15.000 tỷ đồng, tiếp theo là nước tương và tương ớt với quy mô lần lượt là 2.800 tỷ và 2.600 tỷ đồng.
Với sự phát triển của thị trường cùng tiềm năng to lớn, ngành gia vị đang chứng kiến sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Các doanh nghiệp sản xuất gia vị ở Việt Nam có quy mô sản xuất đa dạng, từ các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình.
Trong đó, theo thống kê từ Vietdata, trên thị trường gia vị thì Masan Consumer – công ty thành viên của CTCP Tập đoàn Masan do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch HĐQT – đang là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành này, thậm chí vượt trội so với nhiều đối thủ.
Masan Consumer đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào danh mục sản phẩm rộng lớn của mình, bao gồm mỳ ăn liền (Omachi, Kokomi, Sagami) , gia vị (nước mắm Nam Ngư, Chinsu, nước tương Chinsu), đồ uống (nước khoáng Vĩnh Hảo), cà phê (Vinacafe). Các sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ được tiêu thụ rộng rãi tại Việt Nam, mà còn được xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Liên bang Nga, Đức, và Trung Quốc.
Năm 2022, doanh nghiệp này chứng kiến việc ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục. Cụ thể, công ty này đã mang về 27.178 tỷ đồng doanh thu và 5.451 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Doanh thu của Masan Consumer ‘áp đảo’ hoàn toàn các thương hiệu khác, thậm chí bằng tổng của 4 doanh nghiệp phía sau cộng lại, gồm Ajinomoto, VEDAN, Cholimex và Miwon.
Vietdata cho biết với Ajinomoto Việt Nam, năm 2022, doanh nghiệp này đã mang về hơn 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với con số đạt được vào năm 2021. Cùng với đà tăng trưởng của doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của công ty này cũng ghi nhận sự phục hồi khi đạt mốc hơn 1.000 tỷ đồng vào năm 2022 sau sự sụt giảm nhẹ vào năm 2021.
Ajinomoto Việt Nam là công ty con thuộc tập đoàn Ajinomoto Nhật Bản, được thành lập vào năm 1991 với tổng vốn đầu tư ban đầu là hơn 8 triệu USD. Hiện tại, Ajinomoto Việt Nam có hai trụ sở chính tại TP.HCM và Hà Nội, cùng với hai nhà máy sản xuất: nhà máy Ajinomoto Biên Hòa (hoạt động từ năm 1991) và nhà máy Ajinomoto Long Thành (hoạt động từ năm 2008). Ngoài ra, công ty còn có ba trung tâm phân phối lớn tại Long Thành, Hải Dương, và Đà Nẵng, cùng với hơn 62 chi nhánh kinh doanh và gần 290 đội bán hàng trên khắp cả nước.
Ajinomoto Việt Nam không chỉ sản xuất bột ngọt Ajinomoto – sản phẩm chủ đạo của công ty, mà hiện nay còn cung cấp nhiều loại gia vị, thực phẩm, và đồ uống khác như hạt nêm Aji-ngon, sốt mayonnaise Aji-mayo, gia vị lẩu Aji-Quick, mơ ngâm đường Ume chan, và cà phê lon Birdy.
Còn Vedan Việt Nam, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2022 ghi nhận nhiều sự biến động đáng kể trong tình hình kinh doanh của công ty này. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty này có dấu hiệu chững lại vào năm 2021 mặc dù có tăng nhưng rất ít và sau đó con số này đã tăng lên gần 25%, đạt mức hơn 9.000 tỷ đồng khi kết thúc năm 2022.
Trái lại, lợi nhuận ròng của Vedan Việt Nam lại sụt giảm mạnh qua từng năm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ còn hơn 100 tỷ đồng vào năm 2022, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm 2020.
Vedan là một thương hiệu nổi tiếng đến từ Đài Loan được thành lập vào năm 1954 và ra mắt thị trường Việt Nam từ năm 1991. Thương hiệu này đã nhanh chóng chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam với sản phẩm bột ngọt chất lượng cao. Sau nhiều năm hoạt động, CTCP Hữu Hạn Vedan Việt Nam đã tạo dựng được một hệ thống sản xuất đa dạng và toàn diện, bao gồm nhà máy tinh bột nước đường, nhà máy bột ngọt, nhà máy tinh bột biến tính, nhà máy Lysine cho đến cảng chuyên dùng Phước Thái Vedan.
Lợi nhuận của Masan Consumer cũng “vượt trội” so với các thương hiệu ngoại như Ajinomoto, Vedan, Miwon.
Đến năm 2023, doanh nghiệp này lại tiếp tục “xô đổ” kỷ lục đã mang về trong năm 2022. Năm 2023, Masan Consumer ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. EPS năm 2023 đạt 9.888 đồng/cp, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7.612 đồng/cp.
Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer lần đầu tiên tiến lên mức gần 50%. Cụ thể, lợi nhuận gộp quý 4 đạt 4.017 tỷ, biên lợi nhuận gộp 47,29%, tăng đáng kể từ mức 41,48% trong quý 4/2022.
Tổng tài sản của Masan Consumer tại ngày 31/12/2023 ở mức 40.553 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ so với hồi đầu năm. Tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ở mức 8.105 tỷ đồng, tăng hơn 2.315 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong năm 2023, chiến lược “Go Global” với điểm nhấn là thương hiệu CHIN-SU mang lại nhiều kết quả tích cực cho Masan Consumer. Doanh thu xuất khẩu tăng lên 1.005 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, tương ớt CHIN-SU giữ vững vị trí trong top 8 sản phẩm bán chạy nhất trên Amazon. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2023 tổng doanh xuất khẩu đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) mạnh mẽ ở mức 31%.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ty-phu-gia-vi-viet-chap-het-cac-ga-khong-lo-ngoai-quoc-kiem-ty-do-moi-nam-bang-4-doi-thu-phia-sau-cong-lai-188240222181352391.chn