Đại dịch đã thay đổi hoàn toàn diện mạo thị trường lao động toàn thế giới, bà Trần Thị Nguyệt Oanh – Giám đốc Nhân sự HSBC Việt Nam – nhìn nhận.
Từ thay đổi về cung cầu đến cách người lao động làm việc, sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong vỏn vẹn vài năm khiến thị trường lao động khác hoàn toàn so với trước đại dịch. Tiếp theo đó là sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ AI (artificial intelligence – trí tuệ nhân tạo) cũng gây ra nhiều xáo trộn cho thị trường lao động.
Và còn nhiều xu hướng đã, đang và sẽ khiến thị trường lao động chuyển mình như xu hướng đầu tư vào chuyển dịch sang mô hình bền vững, xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn ESG phổ biến hơn, xu hướng địa phương hóa chuỗi cung ứng, xu hướng dân số già đi ở các thị trường đã phát triển và thị trường mới nổi, xu hướng thắt chặt quy định về quản lý sử dụng dữ liệu cũng như công nghệ…
Thế giới sắp chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nghề nào tăng tuyển dụng? Việc nào dễ bị thay thế?
Trên thế giới, mùa xuân năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh chưa từng thấy về số lượng việc làm. Sau đó, hầu hết các nền kinh tế đều phục hồi mạnh mẽ dẫn tới tình trạng thiếu nhân công chưa từng thấy trong lịch sử. Kết quả là lương tăng vọt, cung ứng lao động thiếu hụt và số lượng việc cần người không giảm đi. Đó là những nét khắc họa thị trường lao động trong giai đoạn 2022-2023.
HSBC dự báo hầu hết các thị trường lao động khắp thế giới sẽ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong năm 2023-2024. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, trong năm năm tới, 83 triệu việc làm có thể mất đi do nhu cầu lao động trong một số lĩnh vực thay đổi, đồng thời, 69 triệu việc làm mới được tạo ra.
Điều đó đồng nghĩa với 2% sụt giảm trên thị trường lao động, tương đương với 14 triệu việc làm.
Những công việc được dự báo sẽ tuyển dụng nhiều trong tương lai bao gồm chuyên viên về AI và máy học, chuyên viên về bền vững, chuyên viên về phân tích dữ liệu kinh doanh, chuyên viên về bảo mật thông tin, kỹ sư công nghệ tài chính…
Những công việc được dự báo sẽ dễ bị thay thế nhất bao gồm nhân viên an ninh bảo vệ, nhân viên thu ngân và bán vé, nhân viên dịch vụ bưu chính, giao dịch viên ngân hàng, thư ký…
Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi này khá đa dạng. Đáng chú ý nhất có lẽ phải kể đến xu hướng dịch chuyển kinh doanh theo hướng xanh hơn, bền vững hơn được dự báo sẽ khiến các doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều vị trí mới. Xu hướng các chuỗi cung ứng được sắp xếp, phân bổ lại cũng góp phần tạo thêm việc làm trong những năm tới đây.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp giảm số lượng nhân công trong tương lai. Chúng ta có thể quan sát diễn biến của xu hướng này ngay tại Việt Nam trong Quý 2/2023.
Thực trạng đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong đều giảm so với quý trước lần lượt là 142.500 người, 16.900 người và 30.200 người.
Du lịch phục hồi kéo theo sự phục hồi trong các ngành dịch vụ, đồng thời, cơ cấu lao động cũng chứng kiến sự chuyển dịch mạnh từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực này chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,7% và tăng 349.000 người so với quý trước .
Công nghệ đang thay đổi diện mạo thị trường lao động thế nào?
Sự quan tâm dành cho AI tăng vọt trong năm 2023 là dấu hiệu cho thấy các tiến bộ công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới.
“Điển hình nhất phải kể đến xu hướng tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến các công việc tay chân, robot được dự báo sẽ thay thế công nhân trong nhà máy, kho bãi, dây chuyền sản xuất hoặc nhân viên chạy bàn”, bà Oanh lấy ví dụ.
Xu hướng này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn do những thay đổi trong đại dịch như quy trình tự động hóa rẻ hơn, phổ biến hơn, giảm giao tiếp trực tiếp giữa người với người…
Xu hướng tự động hóa có thể là yếu tố cản trở tiến trình lạm phát lương, khi mức lương chạm đến một ngưỡng nhất định và chi phí cho quy trình tự động lại rẻ hơn thì doanh nghiệp đương nhiên chọn giải pháp tự động hóa. Qua đó có thể thấy tiến bộ công nghệ sẽ tác động đến sự cân bằng cung-cầu lao động.
“Nhiều người thường nhìn tiến bộ công nghệ dưới lăng kính “máy móc thay thế con người” và khiến chúng ta mất việc. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, công nghệ cũng tạo ra công việc mới”, bà Oanh nhìn nhận.
Nhiều công việc trong mảng phân tích dữ liệu lớn, công nghệ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, công nghệ quản lý môi trường, mã hóa và an ninh mạng, công nghệ sinh học, công nghệ nông nghiệp, các nền tảng và ứng dụng số hóa… được dự báo sẽ tăng lên trong tương lai.
Câu hỏi lúc này đặt ra là liệu doanh nghiệp tuyển được người với kỹ năng phù hợp để đáp ứng các nhu cầu mới này hay không. Để giải đáp câu hỏi này, ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã có chương trình đào tạo, phát triển người lao động để đón đầu xu thế.
Lấy ví dụ ngay tại HSBC, bà Oanh cho biết ngân hàng đã triển khai chương trình đào tạo Future Skills cung cấp các kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai, Sustainability Academy cung cấp kiến thức cần thiết cho các công việc liên quan đến bền vững…
“Đặc biệt, chương trình đào tạo Climate Pact chuyên về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đã thu hút sự tham gia của cả lãnh đạo lẫn nhân viên, ngay cả Tổng Giám đốc hay bản thân tôi cũng tham gia”, Giám đốc Nhân sự HSBC Việt Nam cho biết.