Sau một năm 2022 đầy bùng nổ với sự tăng trưởng mạnh mẽ, doanh số ngành hàng xa xỉ toàn cầu đã đối mặt với sự sụt giảm đáng kể trong năm 2023. Các hãng thời trang hàng đầu như LVMH của Pháp, Prada của Italia, và Richemont của Thụy Sỹ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh số chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, và chi tiêu của người tiêu dùng bị thắt chặt, khiến sức mua đối với các sản phẩm xa xỉ giảm dù nhu cầu vẫn còn.
Tại Việt Nam, xu hướng kinh doanh ảm đạm cũng dễ dàng nhận thấy thông qua kết quả kinh doanh của các công ty phân phối hàng hiệu. Theo Vietdata, hầu hết các công ty phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam, bao gồm cả các công ty phân phối độc quyền và đa thương hiệu, đều ghi nhận sự giảm sút doanh số đáng kể trong năm 2023.
Nguồn: Vietdata
Chỉ duy nhất CTCP Quốc Tế Tam Sơn – một đơn vị đại diện phân phối cho nhiều thương hiệu sản phẩm cao cấp tại Việt Nam – tiếp tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu trong năm 2023 ở mức 6,5%, củng cố ngôi vị dẫn đầu ngành. Dù vậy, lợi nhuận của Tam Sơn vẫn giảm 25% trước xu hướng suy yếu chung của thị trường.
Trong khi đó, hai doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái IPPG của vợ chồng “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn và Lê Hồng Thủy Tiên, bao gồm DAFC và ACFC, đều ghi nhận sự sụt giảm về cả doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) đã thu hẹp số lượng thương hiệu phân phối từ 60 xuống còn 38 thương hiệu vào năm 2023, đồng thời cắt giảm số lượng cửa hàng còn 47, giảm 22%. Doanh thu của DAFC cũng giảm 16,5% so với năm 2022, đạt 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, DAFC ghi nhận khoản lỗ gần 100 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lợi nhuận hơn 135 tỷ đồng của năm trước.
Công ty TNHH Thời Trang & Mỹ Phẩm Âu Châu (ACFC) cũng gặp khó khăn trong năm 2023, với doanh thu chỉ đạt 2.700 tỷ đồng, giảm 5,6% so với năm 2022, và lợi nhuận sau thuế giảm 39%.
Giữ vị trí quán quân toàn ngành – CTCP Quốc Tế Tam Sơn – một thành viên của tập đoàn Openasia, được thành lập từ năm 2005 và đã khẳng định mình là cầu nối giữa giới tinh hoa Việt và các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới. Công ty hiện đang đại diện phân phối cho 31 thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo, Boss, Hugo, Marc Jacobs, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard, Bang & Olufsen, Bernardaud, Lalique, Rimowa, Alessi, Hanoia… với hệ thống 109 cửa hàng kinh doanh và trưng bày sản phẩm.
Ông Đoàn Viết Đại Từ – Chủ tịch Openasia Group, kẻ thách thức IPPG của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn
Theo tìm hiểu, Openasia Group do ông Đoàn Viết Đại Từ sáng lập và giữ chức Chủ tịch, được đánh giá là đối thủ hiếm hoi trong phân khúc phân phối sản phẩm xa xỉ với tập đoàn IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.
Là một Việt kiều mang quốc tịch Pháp, ông Đoàn Viết Đại Từ được đào tạo tại Đại học Paris IX – Dauphine với chuyên ngành quản trị kinh doanh, tiếp thị và tài chính. Năm 1986, ông thành lập công ty đầu tiên của mình tại Sydney, và đến năm 1994, ông trở về Việt Nam để thành lập Openasia, chi nhánh của ngân hàng đầu tư Lazard Frères’ Indochina.
Ông Đoàn Viết Đại Từ – Chủ tịch Openasia Group
Với khoảng 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và đầu tư tài chính ở Úc, Pháp, và Việt Nam, ông Đại Từ còn là đồng sáng lập công ty IPA Network, chuyên hỗ trợ các công ty châu Âu tại Sydney, Úc từ năm 1986.
Openasia Group ban đầu được thành lập với mục tiêu cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư và tư vấn tài chính. Trong gần 3 thập niên qua, tập đoàn đã tư vấn cho hơn 600 khách hàng, bao gồm các công ty lớn trong nước và quốc tế như Vinamilk, Metro Cash&Carry, và Satra.
Không ngừng phát triển, Openasia Group đã đa dạng hóa chiến lược đầu tư, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau như phân phối hàng cao cấp, kinh doanh thiết bị hàng không, công nghệ, du lịch, thủ công mỹ nghệ, thẻ tiêu dùng thông minh, và tư vấn đầu tư.
Thông qua công ty con Tam Sơn Fashion, Openasia Group đã trở thành một trong những đơn vị phân phối sản phẩm thời trang xa xỉ lớn nhất tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn. Danh mục phân phối của Tập đoàn bao gồm các thương hiệu danh tiếng như Hermès, Chopard, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo, Hugo Boss, và Bang & Olufsen.
Các cửa hàng của Tam Sơn được đặt tại những địa điểm xa xỉ bậc nhất tại các thành phố lớn. Theo thông tin từ Tập đoàn, chi phí đầu tư ban đầu cho một cửa hàng bán lẻ hàng hiệu cao cấp thường dao động từ 2-4 triệu USD, và có thể lên tới 6 triệu USD, bao gồm phí thuê mặt bằng trong 1-2 năm đầu. Với hệ thống 20 cửa hàng hiện tại, riêng chi phí thuê mặt bằng có thể tiêu tốn của Openasia Group vài chục triệu USD mỗi tháng.
Bên trong 1 cửa hàng của Tam Sơn
Trong lĩnh vực du lịch – nghỉ dưỡng, Openasia Group sở hữu nhà hàng Press Club với vị trí đắc địa ngay cạnh hồ Gươm, thương hiệu khách sạn – nước khoáng Alba, và du thuyền Emeraude Hạ Long. Ông Đoàn Viết Đại Từ cũng được cho là người đã đưa Starbucks vào thị trường Việt Nam.
Ngoài Openasia Group, ông Đoàn Viết Đại Từ còn được biết đến là thành viên Hội đồng quản trị không điều hành của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR). Theo báo cáo thường niên năm 2021 của công ty, ông đã tham gia vào PDR từ năm 2008, tính đến ngày 10/1/2023, ông sở hữu 1.832.913 cổ phiếu PDR, tương đương 0,21%.
Ông Đại Từ cũng giữ vai trò Chủ tịch của CTCP Liên Á Quốc tế, doanh nghiệp phân phối thương hiệu xe Audi tại Việt Nam. Mặc dù là cổ đông sáng lập và nắm giữ 80% cổ phần của Liên Á, vào cuối năm 2016, ông đã chuyển nhượng số cổ phần của mình cho Openasia Equipment và Pacific Wheel, hai công ty có trụ sở tại Hong Kong.
>>’Đế chế’ của ông ‘vua hàng hiệu’ Jonathan Hạnh Nguyễn ‘đổ bộ’ vào sân bay lớn nhất miền Bắc
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/he-lo-nguoi-dung-sau-de-che-tam-son-ke-thach-thuc-vua-hang-hieu-johnathan-hanh-nguyen-150135.html