Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt Hanoimilk 200 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch đối với các khoản mục “Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi”, “Các khoản phải thu ngắn hạn”, “Chi phí quản lý”, “Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” trên báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán; số liệu lợi nhuận sau thuế năm 2021 trên báo cáo tài chính quý 4 năm 2021 so với báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán.
Ngoài chịu phạt tiền, Hanoimilk bị buộc huỷ bỏ hoặc cải chính thông tin công bố sai lệch trên nêu trên.
Trước đó, Hanoimilk nhiều lần vi phạm lỗi công bố thông tin. Năm 2022, Hanoimilk cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin đối với Báo cáo tài chính năm 2020, 2019, 2018, 2017 đã được kiểm toán, Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2020, 2019, Báo cáo thường niên năm 2020, 2019, Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2017.
Thậm chí, trong 3 năm 2017-2019, Hanoimilk liên tiếp chậm nộp báo cáo tài chính có kiểm toán. Theo đó, đến tháng 6/2020, cổ phiếu bị HNX cổ phiếu hủy niêm yết, xuống giao dịch ở UPCoM.
Hanoimilk từng là 1 trong 3 doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, thương hiệu này chỉ còn là cái tên “vang bóng một thời”, khi liên tục báo lỗ. Đến năm 2018, Hanoimill mới có lãi trở lại. Và tới năm 2022, kết quả kinh doanh của Hanoimilk khởi sắc hơn.
Năm 2022, doanh thu thuần của HNM đạt 484 tỷ đồng (năm 2021 đạt 272 tỷ đồng), tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 28% (2021) xuống còn 22% (2022).Dù vậy, lợi nhuận ròng của HNM vẫn gấp 2,2 lần năm trước, lên 37 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, nợ vay ngắn hạn của Hanoimilk là hơn 195 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu (167 tỷ đồng). Năm qua, Hanoimilk phải chi hơn 12 tỷ đồng để trả lãi vay, còn năm 2021 là gần 10 tỷ đồng. Tiền mặt của Hanoimilk chỉ có hơn 3 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HNM của Hanoimilk vừa được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch. Cổ phiếu hiện giao dịch quanh mức 8.400 đồng/cổ phiếu.