Cuối tháng 5 vừa qua, CTCP Xuân Thiện Thanh Hoá có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc báo cáo đề xuất phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng. Đây là đề xuất đầu tiên ở Việt Nam về mô hình chăn nuôi lợn vẫn được gọi là “Khách sạn lợn” rất phổ biến ở Trung Quốc.
Các “khách sạn lợn” khởi nguồn từ châu Âu và bùng nổ ở Trung Quốc
Các trang trại chăn nuôi lợn cao tầng từng được xây dựng ở châu Âu nhưng tính đến hiện nay chỉ còn số ít hoạt động, không có trang trại nào ở châu Âu vượt quá ba tầng. Hầu hết đều đóng cửa trong những năm qua sau khi đối mặt với các vấn đề về quản lý và sự phản đối của công chúng với việc chăn nuôi ồ ạt. Các “khách sạn lợn” ở Trung Quốc được cho là đã đưa mô hình này lên một tầm cao mới.
Thực tế, cho đến năm 2019, các trang trại chăn nuôi lợn nhiều tầng vẫn được coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đẩy giá thịt lợn lên cao và lượng hàng nhập khẩu lớn chưa từng có, Chính phủ Trung Quốc phải xả dự trữ thịt lợn đông lạnh để kéo giá thịt lợn khỏi mức đỉnh.
Trước thực trạng đó, Chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm với nỗ lực tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Theo TS David Ortega tại Trường ĐH bang Michigan (Mỹ): “Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Xây dựng lại ngành thịt heo là ưu tiên quốc gia của chính phủ”.
Hàng loạt “khách sạn lợn” có quy mô nhỏ mọc lên như nấm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Xu hướng xây dựng khách sạn cho lợn bắt đầu với những cơ sở có 2-3 tầng nhưng nhanh chóng phát triển đến mức độ đồ sộ hơn. Chủ đầu tư là những công ty chăn nuôi hàng đầu như Muyuan Foods hay New Hope Group.
Trong đó, New Hope Group đã hoàn tất 3 toà nhà cao 5 tầng trên một khu đất rộng bằng 20 sân bóng đá, tức khoảng 140.000 mét vuông, ở quận Pinggu thuộc phía Đông của thủ đô Bắc Kinh. Trại lợn này đặt mục tiêu xuất chuồng 120.000 con lợn mỗi năm, trở thành trại lợn lớn nhất ở khu vực Bắc Kinh.
Muyuan Foods, nhà chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc, cho biết có đủ đất để nuôi 100 triệu con lợn. Jiangxi Zhengbang Technology, công ty nuôi lợn lớn thứ nhì ở nước này, cho biết đàn lợn của công ty cũng sẽ đến lúc đạt tới quy mô như vậy.
Tại tỉnh Phúc Kiến, Công ty TNHH Công nghệ Jinxinnong Thẩm Quyến cũng có kế hoạch đầu tư 150 triệu nhân dân tệ (24 triệu USD) vào hai trang trại lợn nái cao 5 tầng ở Nam Bình. Hai công ty khác cũng đang xây dựng các trang trại lợn cao tầng ở Phúc Kiến.
Tập đoàn chăn nuôi khép kín của Thái Lan là CP Foods cũng đang hợp tác với với công ty Zhejiang Huatong Meat Products Co của Trung Quốc xây dựng 4 tòa nhà chăn nuôi lợn, mỗi tòa 6 tầng, ở Nghĩa Ô, thành phố gần Thượng Hải.
Vào cuối tháng 8/2022, công ty Zhongxin Kaiwei ở Hồ Bắc đã hoàn thành công trình khách sạn cho lợn 26 tầng. Công trình kiến trúc rộng lớn của công ty Zhongxin Kaiwei ở Ngạc Châu bao gồm 2 tòa nhà rộng 400.000 m
2
được trang bị hệ thống máy cung cấp thức ăn tự động, cùng hệ thống máy lọc không khí và khử trùng thông minh, cũng như hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas nhằm chuyển đổi chất thải của lợn thành năng lượng sạch cho máy phát điện và sưởi ấm.
Lợn đi thang máy để lên khu vực chăn nuôi. Những con lợn này được hưởng dịch vụ thú y tại nhà, thưởng thức những bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận trong khu nhà có camera an ninh nghiêm ngặt. Thang máy của khách sạn có thể chứa cùng lúc 60 con lợn. Đội ngũ nhân viên có trình độ cao sẽ được thuê vào vận hành nhà máy chăn nuôi.
Các khách sạn lợn cao tầng với quy trình kiểm soát ngặt nghèo tạm thời là giải pháp mà các nhà cung cấp thịt lợn tại các quốc gia đã sử dụng để ngăn sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi.
Lợi – hại của khách sạn lợn
Xây dựng theo chiều dọc là một lựa chọn phổ biến ở Trung Quốc cũng như cac quốc gia thiếu không gian trống. Đô thị hóa nhanh chóng làm giảm diện tích đất dành cho nông nghiệp, trong khi các quy định về môi trường khiến việc chăn nuôi động vật ngày càng khó khăn ở các khu vực đô thị. Khu nhà cao tầng có thể cắt giảm 1/3 diện tích sử dụng đất nông nghiệp so với trang trại truyền thống với cùng số lượng heo.
Đàn lợn ở Trung Quốc đã phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhờ các trại chăn nuôi quy mô lớn mở rộng mạnh mẽ. Tuy nhiên, giá bán buôn thịt lợn ở Trung Quốc đã giảm mạnh đến nỗi ba lần kích hoạt hệ thống cảnh báo mới của Chính phủ nước này, buộc nhà chức trách phải mua vào thịt lợn cho dự trữ quốc gia, nhằm mục đích hỗ trợ thị trường.
Quy mô lớn của những trại lợn như thế này đồng nghĩa với thiệt hại lớn nếu có kẽ hở cho dịch bệnh lọt vào. Với hàng nghìn con lợn được nuôi gần nhau, một căn bệnh truyền nhiễm có thể lây lan nhanh chóng trong trang trại. Các quy định ngặt nghèo phải được áp dụng để giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam cũng chịu sự tàn phá của dịch tả lợn châu Phi khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi sụt giảm mạnh.
Về phía Tập đoàn Xuân Thiện, đơn vị này đã dành nhiều tâm huyết và tài lực để xây dựng những trang trại chăn nuôi lợn hiện đại. Tiêu biểu là dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 2 và 3 tại huyện Ngọc Lặc, chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn. Tuy nhiên, tập đoàn Xuân Thiện cũng gặp nhiều lùm xùm khi tiến hành triển khai mô hình này, liên quan đến vấn đề đất đai và môi trường.
Như vậy, những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề đất đai, cách xử lý liên quan đến vấn đề môi trường sống và chất lượng cuộc sống người dân khu vực lân cận chưa được công ty xử lý tốt. Trong khi đó bên cạnh việc phát triển chăn nuôi thì những vấn đề này là những vấn đề tương đối quan trọng , nếu không thể giải quyết ổn thỏa thì đây sẽ là trở ngại lớn mà công ty phải đối mặt trong việc xây dựng khách sạn lợn.
Tập đoàn quy mô vài trăm nghìn tỷ của đại gia kín tiếng Ninh Bình: Đầu tư đa ngành loạt dự án khủng từ điện, thép đến cảng biển, lọc dầu, chăn nuôi lợn