Vào ngày 3/7/2024, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn.
Được biết, cơ chế DPPA có thể khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào các dự án năng lượng tái tạo trong nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững về môi trường, cũng như nâng cao hiệu quả của thị trường điện ở Việt Nam.
Với cơ chế này, các DN điện sẽ kỳ vọng giảm sự phụ thuộc vào EVN và lưới điện quốc gia, cơ chế DPPA sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn cho các bên tham gia cũng như giải quyết vấn đề tài chính của EVN.
Trong đó, Quy hoạch điện (PDP) VIII đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tiếp tục mở rộng công suất điện (đạt trên 150.000 MW vào năm 2030 và đạt gần 600.000 MW vào năm 2050), năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đóng vai trò chính trong quá trình thực hiện lộ trình này.
Do cơ chế DPPA còn khá mới nên có thể phát sinh một số vấn đề khó tránh khỏi trong quá trình triển khai. Ví dụ như, đối với hình thức mua bán trực tiếp thông qua đường dây truyền tải riêng, người mua và người bán có thể gặp khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng do thiếu cơ chế hướng dẫn, quan điểm của SSI Research trong báo cáo mới đây.
SSI Research cũng nhấn mạnh, các công ty hiện đang sở hữu các dự án năng lượng tái tạo sẽ được hưởng lợi chính. Cụ thể, SSI Research cho rằng các dự án nằm gần khu vực sản xuất (như KCN, khu kinh tế, khu chế xuất) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán) HDG là đơn vị được nhắc tên hưởng lợi đầu tiên nhờ các dự án điện gió dự tính triển khai của công ty với tổng công suất khoảng 828 MW.
CTCP Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán PC1) cũng có thể được hưởng lợi bằng cách tận dụng chuyên môn trong việc lắp đặt năng lượng tái tạo và lượng khách hàng tiềm năng tại các KCN do PC1 và các công ty liên kết phát triển.
Ngoài ra, SSI Research nhận thấy Cơ điện lạnh (mã chứng khoán) REE và Điện Gia Lai (mã chứng khoán) GEG cũng là hai cổ phiếu cũng được hưởng lợi khác. Đối với GEG, công ty đang có 2 dự án năng lượng tái tạo chờ triển khai: Đức Huệ 2 (năng lượng mặt trời, 49 MWp) và VPL Bến Tre Giai đoạn 2 (điện gió, 30 MW). Đối với REE, hiện tại công ty có V1-3 Giai đoạn 2 (điện gió), V1-5 và V1-6 (điện gió) (tổng công suất khoảng 128 MW).
Dựa trên khảo sát do Bộ Công Thương thực hiện vào cuối năm 2023, trong số 67 dự án điện tái tạo tham gia khảo sát, 24 dự án điện tái tạo (1.773 MW) mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tư cách là bên bán, trong khi 17 dự án điện tái tạo khác (2.836 MW) cân nhắc tham gia. Về phía người mua, 20 (996 MW) trong số 41 đại diện được khảo sát mong muốn tham gia cơ chế. Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng cơ chế sẽ một trong những bước quan trọng đầu tiên nhằm khuyến khích phát triển Thị trường Bán buôn Điện Việt Nam (VWEM) sau này tiến tới Thị trường Bán lẻ Điện Cạnh tranh Việt Nam (VREM).
Tuy nhiên, SSI Reserch cho rằng việc triển khai DPPA vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn như cần duy trì nguồn điện ổn định hơn và phát triển nguồn điện từ Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) để hỗ trợ ổn định lưới điện quốc gia và giảm thất thoát điện năng trong bối cảnh nguồn điện tái tạo không ổn định.
Đơn vị này lưu ý rằng tiềm năng tăng công suất năng lượng tái tạo trên lưới điện quốc gia trong tương lai từ việc triển khai cơ chế DPPA, phải đi kèm với các chính sách điều độ hợp lý hơn để giải quyết vấn đề với khả năng chịu tải của lưới điện, cũng như việc phát triển các nguồn điện ổn định hơn trên lưới điện như điện khí/LNG và triển khai công nghệ BESS vào sản xuất điện. Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN, giá bán lẻ điện hiện nay thấp hơn chi phí sản xuất điện khí/LNG (một trong những nguồn ổn định hơn) và điện từ công nghệ BESS, tạo ra rào cản cho việc phát triển các nguồn điện này.
Nguồn tin: https://cafef.vn/phe-duyet-co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-dppa-goi-ten-nhung-doanh-nghiep-tren-san-duoc-huong-loi-188240713112414275.chn