Nội dung chính:
- Gỗ Trường Thành trình cổ đông thông qua việc tiếp tục thực hiện đổi tên đổi tên công ty thành CTCP TTF.
- Gỗ Trường Thành đang phải trả khoản lãi hàng trăm tỷ đồng dựa trên số tiền 1.032 tỷ đồng do Vinhomes trả trước từ năm 2017.
- Năm 2022, doanh thu của Gỗ Trường Thành tăng 24% so với cùng kỳ nhưng vẫn báo lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Gỗ Trường Thành dự kiến đổi tên thành Công ty Cổ phần TTF – theo mã chứng khoán của công ty. HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông về việc này tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào 26/4 tới đây.
Vừa có lãi trở lại trong hai năm 2020 – 2021, đến năm 2022, Gỗ Trường Thành lại báo lỗ hơn 1 tỷ đồng sau kiểm toán.
Dù tình hình tài chính có nhiều điểm sáng với doanh thu liên tục tăng trưởng, những khó khăn của Gỗ Trường Thành vẫn chưa qua đi.
Ứng trước tiền từ khách hàng đặc biệt Vinhomes với lãi suất quanh mức 5,5%/năm
Giữa năm 2017, Gỗ Trường Thành đã nhận một khoản tiền trả trước hơn 1.032 tỷ đồng từ Vinhomes.
Cụ thể, vào tháng 5/2017, Gỗ Trường Thành được chọn là nhà cung cấp chiến lược sản phẩm gỗ thành phẩm cho các dự án của Vinhomes và các công ty con với tổng giá trị dự kiến lên đến 16.000 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Vingroup và công ty con là Vinhomes đã đặt cọc lần lượt 70,4 tỷ đồng và 1.032 tỷ đồng với lãi suất thả nổi. Tuy nhiên, từ 2019, Gỗ Trường Thành mới công bố chi tiết khoản lãi phải trả cho Vinhomes.
Năm 2022, mức lãi được ghi nhận 5,5%, là mức lãi suất thấp đặc biệt so với các khoản vay trong thời gian này, thường không dưới 10%/năm.
Khác với một khoản vay thông thường, dù phải chịu lãi suất, số tiền đặt cọc này không được ghi nhận là nợ vay, do đó các chỉ số nợ của Gỗ Trường Thành cũng trở nên “dễ chịu” hơn.
Khoản lãi phải trả của Gỗ Trường Thành cho Vinhomes không ngừng tăng lên qua từng năm.
Nhờ khoản ứng trước từ năm 2017 từ Vinhomes, Gỗ Trường Thành đã trả nợ các khoản lãi vay từ ngân hàng. Cuối năm 2017, nợ vay của công ty còn gần 900 tỷ đồng, giảm hơn 1.740 tỷ đồng so với năm 2016. Các khoản nợ vay của Gỗ Trường Thành cũng liên tục giảm từ năm 2017 trở về sau.
Nợ vay của Gỗ Trường Thành liên tục giảm dần trong những năm gần đây. (Nguồn dữ liệu: FiinPro)
Mặc dù nợ vay liên tục đi xuống, chi phí lãi vay của Gỗ Trường Thành vẫn tăng nhẹ trong năm 2022. Cụ thể, cuối năm 2022, chi phí lãi vay của công ty ghi nhận hơn 63 tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm.
Tuy nợ vay giảm nhưng chi phí lãi vay của Gỗ Trường Thành không giảm với tốc độ tương ứng.
Năm 2022 lại thua lỗ
Theo báo cáo kiểm toán năm 2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021. Mặc dù doanh thu tăng trưởng nhưng doanh nghiệp bất ngờ báo lỗ sau thuế hơn 1,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 2,5 tỷ đồng.
Trước đó, báo cáo tự lập của công ty này vẫn báo lãi hơn 6 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, Gỗ Trường Thành lỗ lũy kế hơn 3.070 tỷ đồng.
Năm 2023, Gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 54 tỷ đồng, gấp gần 16 lần thực hiện năm 2022.