Trong phiên giao dịch ngày 10/6, bên cạnh ngành cảng và vận tải biển thì các cổ phiếu của nhóm ngành cao su cũng đồng loạt nổi sóng. Có thể kể đến một số cổ phiếu như GVR tăng 3,32%; DPR tăng 3,6%; DRI tăng 2,1% hay PHR tăng 1,4%.
Trong số những cổ phiếu của nhóm ngành cao su thì cổ phiếu GVR của tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là đáng chú ý và có vốn hóa lớn nhất, dẫn đầu ngành. GVR hiện là doanh nghiệp cao su lớn nhất cả nước với tổng diện tích trồng 370.000 ha. Cao su vẫn là mảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất khi đóng góp khoảng 60% tổng lợi nhuận năm ngoái.
Hiện cổ phiếu GVR đang có mức giá 36.150 đồng/cp, tăng 70% kể từ đầu năm. Vốn hóa của doanh nghiệp này hiện cũng đã đạt mức 144.600 tỷ đồng, tăng đến hơn 60.600 tỷ đồng kể từ đầu năm. Với mức vốn hóa hiện tại, GVR đã vượt VPBank, Vinamilk, Masan, MB, … để xếp thứ 13 trong số những công ty giá trị nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Nhóm cổ phiếu ngành cao su được hưởng lợi khi trong tháng 5 vừa qua, giá cao su loại mủ nước lẫn mủ chén trên thị trường nội địa Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, xác lập tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Khảo sát cho thấy trong bối cảnh giá mủ tăng cao và nhu cầu các nhà máy ở mức tốt, người dân đã gia tăng cao mủ.
Cụ thể, giá thu mua mủ chén trung bình trong tháng 5/2024 tăng gần 19% so với tháng 4/2024, và đã cao hơn tới 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá thu mua mủ nước trung bình trong tháng 5/2024 tăng hơn 12% so với tháng 4/2024, và cao hơn gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường xuất khẩu, dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng cao su xuất khẩu của cả nước trong tháng 5/2024 ước đạt 80.000 tấn, trị giá 129 triệu USD; giảm gần 32% về lượng và giảm 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, giá xuất khẩu cao su bình quân tháng 5/2024 ở mức 1.616 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng 4/2024, xác lập tháng tăng thứ 8 liên tiếp. Mức giá hiện nay cũng đang cao hơn gần 20% so với tháng 5/2023.
Cá biệt, giá xuất khẩu của loại cao su SVR 10 (TSR 10), một trong loại cao su xuất khẩu chủ lực, dao động trong khoảng 1.580 – 1.610 USD/tấn, tăng khoảng 200 – 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Đối với cao su SVR3L, giá xuất khẩu dao động trong khoảng 1.790 – 1.810 USD/tấn, cũng cao hơn khoảng 300 – 400 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về thị trường, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,5% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước.
Đà tăng của giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đồng pha với giá cao su thế giới. Dữ liệu từ Trading Economics cho thấy, giá cao su tự nhiên đã tăng 28% từ đầu năm tới nay lên khoảng 180 US cents/kg – quanh vùng đỉnh cao nhất 2 năm. Còn so với vùng đáy gần đây hồi tháng 10/2022 thì giá cao su đã tăng gấp rưỡi.
Động lực tăng giá cao su hiện nay chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia. Sản lượng mủ cao su của hai nước này vốn chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc đang hồi phục mạnh trở lại khi nước này đẩy mạnh hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp ô tô. Đồng thời, việc giá dầu thô neo cao cũng hỗ trợ giá cao su tự nhiên tăng lên.
Nguồn tin: https://cafef.vn/gia-vang-trang-tang-lien-8-thang-co-phieu-cac-cong-ty-trong-nhom-dong-loat-noi-song-von-hoa-cua-dn-dau-nganh-tang-60000-ty-vuot-vpbank-vinamilk-mb-masan-188240610141502573.chn