Giá lợn hơi đang từng bước hồi phục trên diện rộng. Cập nhật đến hôm 29/5/2023, giá bình quân gần 59.000 đồng/kg, trong đó nhiều tỉnh thành phía Nam đã vượt mốc 60.000 đồng/kg.
VNDirect (VND) vừa tiếp tục đưa ra báo cáo phân tích mới về ngành heo. Theo VND, giá lợn hơi tăng 10,9% so với tháng trước trong tháng 5/2023, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm. Có 2 nguyên nhân chính, bao gồm:
(1) sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm;
(2) thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3/2023 giảm 50% so với năm 2021.
Trên thị trường, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) sản xuất thịt cũng tăng đáng kể từ ngày 11/4 theo đà tăng của giá lợn hơi, mức tăng trung bình lên đến 17% (theo ước tính của VNDirect). Trong đó, mã DBC của Dabaco tăng mạnh nhất với 27,6%, BAF của Nông nghiệp BaF tăng 16%. HAG của HAGL có cải thiện và vừa vượt mốc 8.000 đồng/cp.
Thực tế, giá lợn hơi tăng đã sớm được các lãnh đạo DN dự báo. Tham dự ĐHĐCĐ của một số DN sản xuất thịt niêm yết, hầu hết ban lãnh đạo nhóm công ty này đều đưa ra thông điệp tích cực hơn về triển vọng giá lợn hơi. Ban lãnh đạo cho rằng những gì khó khăn nhất đã diễn ra trong quý 4/2022 và quý 1/2023, triển vọng ngành sẽ tích cực hơn từ quý 3/2023.
VND cho rằng tiềm năng tăng trưởng của các DN sản xuất thịt niêm yết đã được phản ánh vào đà tăng giá cổ phiếu thời gian gần đây.
Theo quan điểm của VND, giá lợn hơi sẽ tăng 9,7% so với quý trước trong quý 2/2023 và cải thiện rõ rệt hơn ở mức 11,6%/4% so với quý trước trong quý 3-4/2023 lên mức 62.000-65.000 đồng/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi và nguồn cung từ các hộ nông dân nhỏ lẻ còn hạn chế tới quý 3/2023. Trong 2023, VND kỳ vọng giá lợn hơi bình quân tăng 5% so với cùng kỳ lên mức 59.000 đồng/kg.
Mặt khác, giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam (USD/tấn). Giá lúa mì, đậu tương và ngô (nguyên liệu thức ăn chăn nuôi) toàn cầu đã giảm 49,8%/19,7%/28,6% so với cùng kỳ. Tại thị trường trong nước giá nhập khẩu lúa mì, đậu tương và ngô giảm 5,2%/10%/5,4% so với cùng kỳ theo giá thế giới.
Về phía DN, cơ cấu chi phí của nhà sản xuất thịt (% giá vốn hàng bán) theo ước tính của VND bao gồm chi phí nguyên liệu thô (ngô, đậu tương và lúa mì) chiếm 80-85% chi phí thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 50% chi phí sản xuất trong chăn nuôi.
VND kỳ vọng giá nông sản toàn cầu giảm trung bình 7-10% trong 2023 dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 5% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nguy cơ giá nông sản toàn cầu có thể tăng trở lại do căng thẳng Nga-Ukraine leo thang cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi ở một số quốc gia xuất khẩu chính. Do đó, VND kỳ vọng các DN sản xuất thịt ghi nhận biên LN gộp cải thiện 1,0-1,5 điểm % trong năm 2023.
Kết thúc quý 1/2023, các nhà sản xuất thịt ghi nhận biên lãi gộp thu hẹp 4-12 điểm % so với quý 1/2022. Ước tính chi phí sản xuất bình quân của các DN sản xuất thịt vào khoảng 50.000 – 52.000/kg lợn hơi, do vậy với mức giá hiện tại, các nhà sản xuất thịt đã bắt đầu có lãi.
VND kỳ vọng biên LN gộp của các DN sản xuất thịt sẽ cải thiện từ quý 2/23 và cải thiện trung bình 1,0-1,5 điểm % trong năm 2023.
Nhìn chung, khó khăn nhất của ngành đã qua nhưng vẫn cần cẩn trọng trong thời gian tới. Thực tế, hầu hết các DN sản xuất thịt cùng đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm nay như Visan giảm 2%, HAG chỉ tăng 0,4% và BAF chỉ tăng 5%.
Ngành heo “tái cấu trúc” trong cơn bĩ cực: Thị phần đang rơi mạnh vào tay doanh nghiệp, giá quay về mốc 60.000 đồng/kg, ông Trương Sỹ Bá dự đoán có thể đạt 100.000 đồng/kg