Phiên giao dịch hôm nay 4/7/2023, giá heo hơi tiếp đà nhảy vọt với bình quân lên hơn 61.000 đồng/kg, tăng 35% sau hơn 1 tháng. Đặc biệt, giá heo tại miền Bắc liên tiếp tăng nhiều giá, điển hình tại Thái Bình- tỉnh đầu tiên ghi nhận mức giá 67.000 VND/kg và cao nhất nước.
Thông báo từ Anova Feed nhận định, thị trường giá heo cả nước đang ngập tràn niềm vui vì nằm vùng giá tốt, mức giá hiện tại ghi nhận đang mang lại lợi nhuận tốt cho nhà chăn nuôi. Câu hỏi đặt ra, trong đà thăng hoa thì “liệu mức giá sẽ cán mốc đầu số 7 như cùng kì năm trước?”.
Trong đó, với các hộ chăn nuôi, giá vốn bình quân vào khoảng 53.000 – 54.000 VND/kg (một số hộ có mức giá tốt vào mức 51.000 – 52.000 VND/kg) thì, có lãi gần 30%.
Với doanh nghiệp tự sản xuất được cám như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Nông nghiệp BaF (BAF) với giá vốn chỉ khoảng 45.000 VND/kg, các chuyên gia dự báo đã có lãi dày trở lại, biên lãi lên đến 45%.
Về nguyên nhân giá heo tăng, do dịch tả và giá thấp khiến nông dân dần bỏ đàn, sự thiếu hụt nguồn cung từ đầu năm đang là yếu tố chính hỗ trợ giá heo tăng. Đây có thể xem là chu kỳ thường xuyên của ngành, và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đã sớm dự báo được.
Trong chia sẻ hồi đầu năm, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch HAGL – chia sẻ: “Hiện nay, 70% cung heo trên thị trường đến từ các hộ nông dân. Khi họ bỏ chuồng sẽ xảy ra hiện tượng quá bán. Và chu kỳ lặp lại là giá sau đó sẽ tăng lại khi hụt cung. Dự kiến tháng 4-5/2023 sẽ hồi phục”.
Như dự báo, giá heo đang tăng dần. Dù đặt kế hoạch thận trọng là mảng heo sẽ không có lãi trong năm 2023, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 bầu Đức tự tin: “Giá heo mà lên lại 70.000 đồng/kg thì có quyền gáy lại”.
Cùng quan điểm, đại diện BAF là ông Trương Sỹ Bá cũng dự báo giá heo sẽ sớm hồi phục trở lại. Do đó, BAF dù trong cơn bĩ cực (chịu lỗ khi giá heo có lúc chỉ còn 45.000 VND/kg) vẫn lên kế hoạch đầu tư mở rộng.
Thực tế, sau giai đoạn thị trường bán tháo do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, giá đã bắt đầu tăng kể từ giữa tháng 3 khi lo ngại dư thừa nguồn cung lắng xuống. Sau hai năm bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ nông dân đã từ bỏ hoạt động tái đàn trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi cũng chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn heo. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường không còn dồi dào như giai đoạn đầu năm nay.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng số đàn heo của nước ta tính đến hết tháng 5 tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết con số thực tế ước tính thấp hơn nhiều do dịch bệnh cùng giá thấp khiến nhiều nông dân phải “treo chuồng”.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hàng hóa Việt nam, cho biết: “So với các doanh nghiệp chăn nuôi, các hộ nông dân nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tái đàn do nguồn vốn hạn chế. Mặc dù giá heo hơi đã có sự cải thiện trong quý 2, tuy nhiên, nhu cầu chăn nuôi sẽ cần một khoảng thời gian dài để phục hồi”. Bên cạnh thiếu hụt nguồn cung, kỳ vọng giá thịt cải thiện trên thị trường thế giới cũng hỗ trợ giá heo hơi của nước ta.
Tại Trung Quốc, số ca nhiễm dịch tả heo châu Phi tăng đột biến vào đầu năm nay đã khiến quốc gia này đẩy mạnh việc giết mổ trong quý 1. Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng dịch vụ tài chính Rabobank dự báo sản xuất thịt heo của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý 2 và đẩy giá thịt heo tăng trở lại. Tiêu thụ thịt heo của Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng nhẹ so với năm trước do nhu cầu của người tiêu dùng hồi phục sau đại dịch Covid – 19.
Trên thị trường, nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi cũng dần hồi phục. Dù giá vốn cao lên đến 55.000 – 56.000 VND/kg, DBC của Dabaco rất nhạy và tăng rất mạnh hơn 1 tháng qua. Phiên hôm nay 4/7, DBC sớm kịch trần với 22.800 đồng/cp – tăng gấp đôi từ mức đáy thiết lập hồi 30/4/-2023.
DBC hiện là doanh nghiệp niêm yết có quy mô nuôi lớn nhất và tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Giá heo giảm mạnh cùng dịch tả bùng phát đầu năm, DBC đã báo lỗ kỷ lục hơn 320 tỷ đồng trong quý 1/2023.