Cổ phiếu HLB của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long trên sàn chứng khoán ít được quan tâm do thanh khoản kém. Tuy nhiên, cổ phiếu ít tên tuổi này đã âm thầm soán ngôi “đắt đỏ” nhất ngành đồng thời cũng là cổ phiếu có thị giá cao thứ 2 thị trường chỉ đứng sau cổ phiếu VNZ của CTCP VNG, với giá cổ phiếu hiện đang ở mức 300.000 đồng/cp.
Với 3 triệu cổ phiếu lưu hành, vốn hóa của HLB ở mức khoảng 900 tỷ đồng. Thanh khoản thấp với nhiều phiên thậm chí không có giao dịch nên đôi khi chỉ cần 100 cổ phiếu được khớp lệnh cũng đủ làm thị giá HLB biến động hàng chục nghìn đồng.
Bên cạnh thị giá, một điều khác đáng chú ý ở HLB đó là tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt rất cao. Trong tháng 10 vừa rồi, HLB đã thanh toán cổ tức cho năm 2022 bằng tiền với lệ thực hiện là 150%, tức 1 cổ phiếu nhận được 15.000 đồng. Với 3.090.000 cổ phiếu đang lưu hành, Bia và Nước giải khát Hạ Long đã chi hơn 46 tỷ đồng để trả cổ tức. Năm ngoái, HLB cũng chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ lên đến 100%.
Các năm trước, giai đoạn 2014-2018, công ty liên tục chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 60% cho năm 2016, 70% cho năm 2017 và 200% cho năm 2018.
Năm 2019, hoạt động cổ tức bị gián đoạn do HLB dành toàn bộ phần lợi nhuận còn lại sau khi trích thưởng để đầu tư nâng cấp và hoàn thiện nhà máy sản xuất bia Đông Mai công suất 50 triệu lít/năm. HLB chia cổ tức trở lại cho cổ đông vào năm 2020 với tỷ lệ 20%.
Phần lớn cổ tức của HLB chảy vào túi cổ đông lớn Aseed Holdings đến từ Nhật với 30,42% cổ phần và gia đình cựu Chủ tịch HĐQT Doãn Văn Quang với tổng sở hữu lên đến hơn 58% cổ phần.
Thương vụ bán vốn của SCIC và sự xuất hiện của gia đình ông Doãn Văn Quang trong cơ cấu cổ đông
HLB tiền thân là nhà máy liên hợp thực phẩm Hồng Gai, thành lập từ năm 1967. Trải qua nhiều thay đổi, công ty chính thức chuyển đổi thành CTCP Bia & Nước giải khát Hạ Long vào tháng 2/2003. Các sản phẩm của HLB bao gồm bia Hạ Long Classic, bia Hạ Long Sapphire, bia Hạ Long Golden, …
Sự xuất hiện của gia đình ông Doãn Văn Quang trong HĐQT của HLB bắt đầu từ năm 2015 với việc ông Doãn Văn Quang được bổ sung vào HĐQT từ tháng 1/2015.
Sự xuất hiện của ông Quang trong HĐQT của HLB diễn ra sau khi SCIC thoái vốn tại đây.
Cụ thể, năm 2014, SCIC muốn bán đấu giá 1.050.000 cổ phần, tương đương 35% vốn của HLB với giá đấu giá khởi điểm là 29.000 đồng/CP, tương đương thu về 30,45 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên đấu giá đã tổ chức bất thành ra do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua. SCIC không công bố thêm thông tin về đợt đấu giá tiếp theo, nhưng trong Danh sách doanh nghiệp bán vốn năm 2015 của SCIC đã không còn xuất hiện cái tên Bia Hạ Long nữa.
Tại tài liệu đại hội cổ đông năm 2015 của HLB ghi rằng SCIC đã thoái 35% vốn nhà nước sang cho các nhân. Đồng thời, Carlsberg Breweries cũng thoái vốn sang cho Hiroshima Venture Co.,Ltd và Aseed Holdings Co.,Ltd.
Đến tháng 5/2015, bà Vũ Thị Thủy, Chủ tịch HĐQT HLB khi đó và là người đại diện cho phần vốn của SCIC nộp đơn từ nhiệm, ông Doãn Văn Quang, khi đó là người đại diện cho 1.050.000 cổ phần (35% vốn điều lệ của công ty) – đúng bằng số SCIC thoái vốn, được bầu lên thay thế. Ông Quang làm Chủ tịch HĐQT HLB từ 1/7/2015 đến 25/4/2023. Cùng ngày 1/7/2015, con trai ông Quang – Doãn Trường Giang cũng được bổ nhiệm làm Ủy viên HĐQT. Tháng 9/2019, ông Doãn Trường Giang được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và vẫn tiếp tục giữ chức vụ Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cho đến nay.
Trước khi làm việc tại HLB, ông Quang đã có 33 năm công tác tại Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông từng là Phó Tổng giám đốc trong giai đoạn 2007-2010. Sau đó, ông đảm trách vai trò Thành viên HĐQT CTCP Than Vàng Danh – Vinacomin và đáng chú ý là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Than Mông Dương – Vinacomin, trước khi nghỉ hưu vào năm 2015.
Theo bản cáo bạch khi lên sàn, tại ngày 15/12/2016, ông Doãn Trường Giang đang nắm 13,94% vốn của HLB, bà Phạm Thị Đào – vợ ông Doãn Văn Quang nắm 6,76%, bà Phạm Thị Hương – em gái bà Đào nắm 20% và ông Đoàn Đức Cẩn – cùng hộ khẩu thường trú với cả 3 người nắm 15%.
Đến tháng 7/2019, ông Cẩn đã chuyển nhượng hết vốn sở hữu tại HLB cho bà Phạm Thị Đào. Sau đó, đến tháng 11/2022, bà Phạm Thị Hương lại chuyển nhượng hết vốn cho ông Doãn Thiện Tân – con trai ông Quang.
Tuy nhiên, theo 1 số tài liệu, bà Phạm Thị Đào và ông Doãn Trường Giang là cổ đông tại HLB từ năm 2010 và bà Phạm Thị Hương nắm cổ phần từ năm 2014.
Kết quả kinh doanh
Năm 2022, HLB ghi nhận doanh thu công ty đạt 1.369 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2021, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 279 tỷ đồng – tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động tài chính cũng cải thiện với doanh thu tăng 2,6 lần lên gần 11 tỷ đồng, chủ yếu trong đó là lãi tiền gửi và tiền cho vay.
Khấu trừ đi các chi phí, HLB thu về hơn 127 tỷ đồng LNST, tăng 54% so với năm 2021. EPS công ty đạt 40.886 đồng/cp, cao thứ hai thị trường sau Logistics Portserco (PRC) – EPS đạt 41.537 đồng. Năm 2021, EPS của HLB cũng thuộc top cao nhất thị trường với 27.267 đồng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của HLB, có thể thấy từ năm 2014 tới nay, doanh thu và LNST của công ty luôn được duy trì tăng trưởng rõ rệt so với năm trước đó.
Nguồn tin: https://cafef.vn/gia-dinh-cuu-lanh-dao-tkv-am-tham-nam-hon-50-von-mot-cong-ty-bia-co-co-phieu-cao-nhat-nhi-ttck-eps-gan-41000-dong-thuong-xuyen-chia-co-tuc-100-200-18823122109515187.chn