Ngày 18/5, sau nhiều ngày chờ đợi của người tiêu dùng, cửa hàng trực tuyến của Apple tại Việt Nam đã chính thức ra mắt. Website này hiện đã hiển thị đầy đủ các danh mục sản phẩm để người tiêu dùng có thể mua hàng trực tuyến, bao gồm: iPhone, Macbook, Ipad, Airpod,… cùng nhiều phụ kiện, dịch vụ giải trí khác mang thương hiệu Apple.
Trước khi Apple ra mắt cửa hàng trực tuyến, nhiều người đã đặt câu hỏi về giá cả mà thương hiệu này niêm yết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bán lẻ điện tử đang diễn ra cuộc cạnh tranh giá khốc liệt.
Theo quan sát, các sản phẩm của Apple trên kênh trực tuyến của hãng có giá nhỉnh hơn so với mức giá đang được các ông lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop hay CellphoneS niêm yết.
Ví dụ, dòng điện thoại iPhone 14 Pro, loại dung lượng 128GB, màu tím được cửa hàng trực tuyến Apple Việt Nam niêm yết giá 27.999.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, với mẫu này, Thế Giới Di Động và FPT Shop đều đang bán với online với giá 25.090.000 đồng, tức rẻ hơn khoảng 2,9 triệu đồng.
Hay với sản phẩm tai nghe Airpods thế hệ 2, giá tại cửa hàng Apple trực tuyến là 3.499.000 đồng, cao hơn 850.000 đồng so với mức giá 2.640.000 đồng trên website Thế Giới Di Động, FPT Shop.
Ngoài ra, Apple cũng bán trực tuyến nhiều phụ kiện chính hãng khác như ốp điện thoại giá khoảng 1.400.000 – 1.600.000 đồng/chiếc, Airtag giá 850.000 đồng/chiếc,..
Ngoài phương thức thanh toán một lần, Apple cũng cung cấp giải pháp thanh toán trả góp, thông qua ví MoMo.
Trước đó, trước động thái mở cửa hàng trực tuyến của Apple tại Việt Nam, đại diện các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động hay FPT Shop đều ra đưa ra bình luận riêng.
Đại diện FPT Shop cho biết luôn tự tin vẫn mang lại trải nghiệm vượt trội với khách hàng Việt ngoài việc hiểu khách hàng, giá cả luôn cạnh tranh nhất thị trường thì các lợi thế là nền tảng xây dựng nhiều năm.
Ngoài ra, đơn vị này cho hay, Apple Store trực tuyến tại Việt Nam sẽ đưa ra một khung giá chuẩn chỉnh, có thể làm cơ sở tham chiếu, đặc biệt trong bối cảnh giá bán sản phẩm Apple đang biến động liên tục tại Việt Nam . Động thái này cũng giúp các nhà bán lẻ trong nước tự nhìn nhận lại hệ thống của mình, từ đó có những điều chỉnh trong cách vận hành, hoạt động để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giữ chân khách hàng.
Trong khi đó, Chủ tịch MWG – ông Nguyễn Đức Tài khẳng định không thể nào chỉ một vài cửa hàng mà có thể phục vụ 90 triệu dân, thứ Apple cần là một chuỗi rất lớn. Ông Tài cũng không tin Apple sẽ bước chân vào việc vận hành chuỗi như cách Thế Giới Di Động đang làm, bởi đây là việc không đơn giản.
“Bao nhiêu năm qua Apple không hề có khái niệm quảng cáo trên tivi, trên YouTube. Giờ các bạn thấy rồi, và đó là dấu hiệu tốt, cho thấy họ quan tâm đến thị trường này. Khi Apple tập trung vào thị trường nào thì thị trường đó sẽ phát triển và điều đó sẽ tốt cho người tiêu dùng. Vậy khi họ tập trung thì họ làm gì? Họ phải có website cho tử tế, họ phải có cách để tiếp cận với khách hàng…
Nhìn chung như mọi hãng. Đường đi luôn là mở những cửa hàng brand shop để xây dựng thương hiệu. Các bạn cũng thấy rồi, các thương hiệu khác trước đây như Nokia luôn có những cửa hàng riêng của họ. Để làm gì? Để làm thương hiệu. Tôi không tin một vài cửa hàng apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, để phục vụ khách hàng “, ông Tài phân tích.