2023 có thể xem là “năm vàng” cho nông sản Việt, đặc biệt có quả sầu riêng. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2023, sầu riêng đem về 2,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, chính thức gia nhập nhóm trái cây tỷ USD của Việt Nam.
Sầu riêng cũng trở thành sản phẩm xuất khẩu số 1 của ngành hàng rau quả với tỷ trọng lên tới 41% trong tổng số 5,6 tỷ USD mà ngành này thu về. Xét về thị trường, Trung Quốc là nguồn tiêu thụ hàng đầu của sầu riêng Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 90%.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 500 triệu USD, tiếp tục tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Vinafruit, xuất khẩu sầu riêng những tháng đầu năm nay vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, trước hết là nhờ nhu cầu vẫn cao từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, sản lượng sầu riêng đầu năm nay tăng nhờ người trồng sầu riêng ở nhiều địa phương áp dụng thành công kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa trái vụ.
Nhu cầu tiêu thụ cao của sầu riêng cao, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã bắt đầu đầu tư cho loại quả giá trị lớn này. Nổi trội là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức).
HAGL NÂNG TỔNG DIỆN TÍCH SẦU RIÊNG LÊN HƠN 1.970 HA
Trồng từ năm 2018, hơn 30 ha sầu riêng của HAGL tại Gia Lai đã bắt đầu được thu hoạch vụ đầu tiên trong năm 2023, với sản lượng bình quân khoảng 10 tấn/ha. Tính đến thời điểm cuối năm 2023, HAGL còn đang có 1.200 ha sầu riêng bên Lào, chủ yếu là giống Monthong và 200ha giống Musang-king có giá trị rất cao.
Chia sẻ với chúng tôi, hiện HAGL đã nâng được tổng diện tích sầu riêng lên hơn 1.970 ha, suýt soát kế hoạch đề ra cho cả năm 2024 là 2.000 ha.
Năm 2024, HAGL dự kiến thu hoạch ít nhất 300-400 ha sầu riêng, cao gấp 10 lần năm ngoái. Trong đó, 200-300 ha sầu riêng bên Lào sẽ chính thức thu hoạch trái bói (vụ đầu tiên) vào tháng 10-11.
“Sầu riêng bên Lào có lợi thế trái mùa tự nhiên, do trồng ở độ cao cao hơn tại Việt Nam, khoảng 1.000-1.200m so với mặt nước biển. Giá bán trái mùacao hơn 50%“, bầu Đức nói.
Còn với diện tích ở Gia Lai, sang năm thứ hai thu hoạch, năng suất theo Giám sát vườn 30 ha đã tăng gấp đôi. “Sản lượng năm nay dự kiến 500 tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thực tế, sản lượng dự kiến ban đầu có thể lên đến 600 tấn, tuy nhiên do khí hậu nay năm biến đổi nên có suy giảm. Trong đó, nền nhiệt độ HAGL đo đạt đang cao hơn 4 độ so với cùng kỳ, chúng tôi đã linh hoạt tưới nhỏ giọt nên vẫn chủ động bù ẩm vẫn tăng sản lượng”, ông Lê Hồng Phú – Giám sát vườn sầu riêng 30 ha của HAGL tại Gia Lai chia sẻ.
Ngoài ra, HAGL còn có một vườn 30 ha khác tại Gia Lai, thu hoạch mùa vụ đầu tiên nên sản lượng đạt 300 tấn. Nhìn chung, tổng sản lượng sầu riêng năm 2024 tại Gia Lai đạt khoảng 800 tấn.
NHÂN VIÊN VƯỜN SẦU ĐƯỢC TRẢ THÙ LAO 500 TRIỆU ĐỒNG
Hiện, với 500 tấn sản lượng, ông Phú – một nhân viên trồng sầu riêng được trả 1 triệu đồng/1 tấn. Tức, ông Phú dự kiến nhận 500 triệu đồng cho mùa vụ thứ hai tại vườn Gia Lai.
Đây là một trong những hình thức thuộc chế độ đãi ngộ mới của HAGL đề ra từ đầu năm 2023. “Phải khoán cho nhân viên. Biến nông trại của HAGL thành nông trại đem lại lợi nhuận cho chính nhân viên đó thì họ mới có động lực tự làm”, bầu Đức từng chia sẻ.
Chế độ này đã áp dụng với chuối. Cụ thể, HAGL chia thưởng 1.200 đồng/kg cho khối lượng vượt năng suất so với mốc tiêu chuẩn. Trong đó, với nông trại chuối trồng xuất đi Nhật, Trung Quốc, mức tiêu chuẩn Công ty đưa ra là 13kg/buồng chuối (mỗi cây 1 buồng).
Bầu Đức nói thêm, với sầu riêng hiện cách tính khác so với chuối. Trong tương lai, khi sầu riêng ổn định sản lượng sẽ áp chế độ đãi ngộ tương tự như cây chuối.
Về đầu ra, hiện HAGL mỗi ngày liên tục đón các đoàn thương lái đến hỏi thăm và mua sầu riêng tại vườn. Công ty cho biết chưa chốt giá. Mặt khác, theo đại diện HAGL thì cách chốt giá của HAGL sẽ tính tại thời điểm thu hoạch, bằng “giá gốc trừ ngược lại các chi phí ra giá cuối cùng”. Cách tính này đảm bảo cho bên bán trong giai đoạn giá cả biến động.
THUÊ CHUYÊN GIA THÁI LAN CHĂM SÓC VƯỜN SẦU TẠI LÀO
“Có thể nói tất cả người buôn Việt Nam phía sau lưng đều là bên Trung Quốc. Với những bên mua Trung Quốc lớn, họ sẽ mua trực tiếp tại Việt Nam và sau đó đưa lên kệ siêu thị.
Còn với những bên mua cũng là Trung Quốc nhưng quy mô nhỏ hơn, sẽ tiến hành đi mua rồi bán lại cho “ông lớn” Trung Quốc, cuối cùng cũng nhắm đến mục tiêu đưa hàng lên được kênh siêu thị để được giá.
Trong đó, cơ chế mua của thương lái Trung Quốc, sẽ tiến hàng đặt mua vài chục container. Thương lái Việt Nam sẽ tiến hành đi thu mua, đóng gói theo tiêu chuẩn rồi xuất cho bên mua là Trung Quốc. Nên giá thương lượng qua lại giữa bên mua và bên bán thực chất là do thương lái Trung Quốc quyết định, phía đối tác Việt Nam chỉ nhận về tiền công. Giá bán sầu riêng giống câu chuyện chuối”, bầu Đức chia sẻ thêm.
Để đảm bảo về chất lượng xuất khẩu, HAGL đang thuê các chuyên gia Philippines cho chuối. Với sầu riêng, Công ty cũng đang thuê nhiều chuyên gia Thái Lan và Việt Nam để làm vườn cây tốt nhất có thể, bởi sầu riêng là một loại cây “khó chiều”.
Theo bầu Đức, nói về sầu riêng thì Thái Lan đi rất xa so với Việt Nam, nên cần thiết phải học hỏi họ. Trong khi sầu riêng Việt Nam trồng xen lẫn mắc ca, bơ…, thì bên Thái quy hoạch từng loại thành một khu riêng biệt: khu vực trồng sầu riêng chỉ được trồng sầu riêng, khu vực mía đường chỉ có mía đường.
Nguồn tin: https://cafef.vn/vu-sau-rieng-2024-cua-bau-duc-du-kien-thu-hoach-300-400ha-nhan-vien-giam-sat-vuon-nhan-500-trieu-dong-khi-dat-san-luong-500-tan-188240624181301367.chn