Kết thúc ngày 6/3, sau giai đoạn hưng phấn thị trường chứng khoán đã chứng kiến một phiên “điều chỉnh” khi VN – Index đã giảm 7,25 điểm xuống còn 1.262,73 điểm. Trên sàn HoSE, đã có tổng cộng 356 mã giảm điểm và chỉ có 130 tăng và 67 mã ở tham chiếu.
Trong bối cảnh thị trường “đỏ lửa”, các cổ phiếu “họ Masan” bao gồm MSN, MCH, MSR, MML VCF và NET vẫn tiếp tục chuỗi ngày “thăng hoa” của mình khi đồng loạt “nổi sóng” trong phiên 6/3. Với đà tăng trong thời gian vừa qua, tổng vốn hóa của các doanh nghiệp họ Masan đã đặt mức hơn 239.500 tỷ đồng (khoảng 9,7 tỷ USD). Ngoài ra, “họ Masan” còn đóng góp 2 thành viên trong danh sách 20 công ty có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.
Cổ phiếu MCH tăng 56% từ đầu năm
Theo đó, cổ phiếu MCH của Masan Consumer là cổ phiếu có được đà tăng ấn tượng nhất họ Masan trong thời gian qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/3, thị giá MCH tăng 3,74% lên mức 136.000 đồng/cp, đánh dấu phiên tăng thứ 14 liên tiếp. Đây cũng là mức giá lịch sử của cổ phiếu này.
So với giai đoạn đầu năm, cổ phiếu MCH đã tăng 56% so với hồi đầu năm, kéo theo vốn hóa thị trường tăng 35.000 tỷ lên đạt mức 97.580 tỷ đồng. Con số này cũng giúp Masan Consumer lọt vào danh 20 doanh nghiệp có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Đà tăng của cổ phiếu MCH được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tích cực. Năm 2023, Masan Consumer ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. EPS năm 2023 đạt 9.888 đồng/cp, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7.612 đồng/cp.
Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của Masan Consumer lần đầu tiên tiến lên mức gần 50%. Cụ thể, lợi nhuận gộp quý 4 đạt 4.017 tỷ, biên lợi nhuận gộp 47,29%, tăng đáng kể từ mức 41,48% trong quý 4/2022.
Theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Nếu loại trừ tác động của việc chuyển MSN Jinju cho Masan MeatLife, doanh thu của MCH tăng trưởng đến 9% so với năm trước, BVSC đánh giá đây là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh chi tiêu thắt chặt khi niềm tin tiêu dùng ở mức thấp do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi.
Các dòng hàng Gia vị, Thực phẩm tiện lợi và Chăm sóc gia đình hưởng lợi nhờ xu hướng tiêu dùng nhiều hơn tại nhà, trong khi Đồ uống và Bia ghi nhận tăng trưởng kém do sự cắt giảm chi tiêu ăn uống và giải trí bên ngoài. Doanh thu từ các sản phẩm mới tăng 39% so với năm trước, đóng góp 4,4% tổng doanh thu năm 2023.
Các cổ phiếu khác trong họ Masan cũng tăng theo
Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trong họ Masan là cổ phiếu MSN của Masan Group. Kể từ đầu năm cho tới nay MSN cũng chứng kiến đà tăng trưởng ấn tượng khi có chuỗi 7 phiên “xanh” liên tiếp. Thậm chí, mã này còn có một phiên trần trong ngày 5/3 với khối lượng giao dịch kỷ lục.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/3, cổ phiếu MSN tăng 1,59% lên mức 76.800 đồng/cp. Thị giá MSN cũng đã tăng gần 15% kể từ đầu năm, kéo theo vốn hóa thị trường của Masan Group tăng 14.000 tỷ lên đạt gần 110.000 tỷ đồng (tương đương 4,4 tỷ USD).
Ngoài MSN hay MCH, các cổ phiếu khác của họ Masan như MSR của Masan High – Tech Materials, MML của Masan MeatLife, VCF của Vinacafe Biên Hòa hay NET của Bột giặt NET cũng “nổi sóng” trong thời gian qua. Trong đó, cổ phiếu NET cũng đang giao dịch ở vùng đỉnh sau khi báo lãi kỷ lục.
Sang năm 2024, Masan Group dự kiến doanh thu thuần hợp nhất nằm trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt từ 7% đến 15% so với cùng kỳ. Đặc biệt, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận nằm trong khoảng 2.290 tỷ đồng và 4.020 tỷ đồng. Trong kịch bản tích cực, lợi nhuận Masan tăng trưởng mạnh gấp đôi so với mức 1.950 tỷ đồng của năm 2023.
BSC Research dự báo mảng tiêu dùng cốt lõi gồm Masan Consumer, WinCommerce đã dần tiến tới điểm hiệu quả khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giai đoạn 2023-2025 đạt tới 20,8% so với giai đoạn 2021-2023 chỉ là 9%.
Đồng thời, kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng hồi phục và chi phí lãi vay suy giảm. Ngoài ra, Masan cũng đang có kế thoái thoái vốn các mảng kinh doanh không cốt lõi để tập trung hoạt động cốt lõi, cũng như có kế hoạch IPO The CrownX (đơn vị sở hữu Masan Consumer, VinCommerce) trong trung hạn. Việc thoái vốn ngoài ngành và kế hoạch IPO The CrownX sẽ là câu chuyện hỗ trợ lợi nhuận, cũng như giá cổ phiếu trong thời gian tới.
BVSC Research cũng cho rằng thời điểm khó khăn nhất về áp lực tài chính của Masan đã qua và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hồi phục mạnh nhờ sự vững vàng của các mảng kinh doanh tiêu dùng và chi phí lãi giảm, sẽ tạo động lực tích cực cho giá cổ phiếu trong năm 2024. BVSC cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số blue-chips khác, có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn theo quan điểm của VietCap trong báo cáo phân tích mới nhất, MSN sở hữu nhiều mảng kinh doanh tiêu dùng từ sản xuất thực phẩm và đồ uống đến mạng lưới bán lẻ toàn quốc, mỗi mảng có sự cộng hưởng ý nghĩa với nhau.
Trong 3 năm qua, ban lãnh đạo đã định vị MSN rõ ràng hơn là một công ty tiêu dùng, với việc tăng quyền sở hữu và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến mảng tiêu dùng cũng như thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi không cốt lõi.
Đặc biệt, Công ty hiện đang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu trong một hoạt động kinh doanh không cốt lõi khác là Masan High-Tech Materials (MHT) . Đây là hoạt động mà VietCap coi là yếu tố hỗ trợ tăng đáng kể cho giá trị doanh nghiệp MSN.
Nguồn tin: https://cafef.vn/nhung-cong-ty-duoi-truong-ty-phu-nguyen-dang-quang-dong-loat-noi-song-tong-gia-tri-von-hoa-dat-gan-10-ty-usd-co-doanh-nghiep-da-tang-14-ty-usd-188240306170536042.chn