Đến thời điểm này, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Nhận định năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức tác động lên nền kinh tế và DN, nên nhiệm vụ “củng cố năng lực, tăng sức cạnh tranh, giữ vững niềm tin DN” được nhấn mạnh trong các Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Các nhóm giải pháp vì thế cũng được đề ra sát hơn với tình hình thực tế.
Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc ngành thực hiện 3 trọng tâm phát triển của ngành trong năm 2024, với 3 đột phá chiến lược và 11 nhóm giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành Công Thương năm 2024.
Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7-8%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 24%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9%; thương mại điện tử B2C tăng trưởng khoảng 18-20%…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hỉệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, hỗ trợ DN.
“Ngành Công Thương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phục hồi phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại, nhất là các dự án trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, kết hợp kiểm tra, giám sát;… Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” là một điểm nhấn đáng kể trong Chương trình hành động của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ – nhất là khi 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thành công, thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021- 2025.
Theo các chuyên gia, cùng với Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu đưa số DN gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023 là không hề dễ dàng. Bởi để có gần 240.000 DN gia nhập thị trường trong năm, việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN phải thực chất và “đồng hành tăng tốc” từ mọi cấp ngành.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nêu thực tế vẫn thiếu sự “đồng tốc” ở lãnh đạo cấp trên với bộ máy cấp dưới. Đây là một trong những tồn tại từ lâu và có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trước hết là sự thiếu đồng bộ về mặt luật, luật lớn thì thoáng, tư duy ở trên rất thoáng nhưng hướng dẫn cụ thể xuống dưới (dạng các Nghị định, Thông tư và các văn bản dưới hơn đã trở thành những chỉ đạo miệng hằng ngày lại thu hẹp dần.
“Sự liên thông, thấu hiểu, thấu cảm và năng lực pháp lý cũng như tính minh bạch của các thể chế pháp lý chưa thật đầy đủ. Trình tự tạo ra nhiều cách hiểu và càng cấp dưới cách hiểu càng khác nhau. Sự khác nhau đó đã tạo ra sự thiếu nhất quán với tinh thần trên là vấn đề đã được đề cập rất nhiều, đó là chất lượng văn bản không minh bạch, không rõ ràng, không tạo ra một cách hiểu duy nhất và đơn giản trong thực hiện”, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra.
Báo cáo chuyên đề khảo sát tình hình DN cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024 với chủ đề “Niềm tin đã trở lại nhưng cần vun đắp” được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng công bố mới đây cho thấy, “niềm tin đã quay trở lại” mặc dù khó khăn của các DN vẫn còn tiếp diễn trong năm 2024.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Ban IV nhấn mạnh vai trò của cả 2 nhóm chính sách hỗ trợ trực diện cho DN, giúp tiết giảm chi phí và tìm kiếm thị trường để tăng năng lực sản xuất. Trong những khó khăn DN phản ánh lặp lại luôn được nhắc đến là đơn hàng và thị trường. Đây là bài toán không dễ can thiệp, khi thị trường phần lớn phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng có những vấn đề vẫn có thể có cách thức hỗ trợ.
“Những câu chuyện về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường càng ngày càng cao, cần phải có sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước, DN không thể tự mình đối mặt. Thứ nữa là câu chuyện mở thị trường mới, mặc dù DN không chờ đợi, nhưng họ vẫn kỳ vọng bên cạnh nỗ lực tìm kiếm của DN, phải có những thúc đẩy gần như là chiến dịch từ phía Nhà nước. Không phải cứ ký FTA là xong và DN đã có thể tận dụng được ngay, nó cần tính đến phương hướng mở đường, mở lối…”, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ đề cập.
Cùng với tháo gỡ về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh, việc hỗ trợ DN tiếp cận thị trường luôn là vấn đề đặt ra. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2024, rất cần có các chương trình, chính sách hỗ trợ, tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực DN Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân, để phát triển mạnh mẽ, qua đó tăng thêm năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Nguồn tin: https://cafef.vn/dong-hanh-tang-toc-de-co-240000-doanh-nghiep-gia-nhap-thi-truong-nam-2024-18824012809352002.chn