CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, thông qua kế hoạch lãi sau thuế đạt 400 tỷ đồng – giảm 3% so với thực hiện năm 2022.
LTG cho biết sẽ nỗ lực đạt lợi nhuận vượt kế hoạch để tích lũy vào quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên theo định hướng phát triển bền vững. Với chỉ tiêu trên, LTG dự tăng tỷ lệ cổ tức 2023 lên 30% bằng tiền mặt (con số của năm 2022 là 25%).
Điều chỉnh phương án chia cổ tức 2022
Đáng chú ý, trước thềm Đại hội 1 ngày, LTG đã bổ sung tờ trình điều chỉnh cổ tức từ chia bằng tiền mặt sang chia bằng cổ phiếu. Tỷ lệ giữ nguyên ở mức 25%.
Theo đó, LTG dự kiến phát hành thêm hơn 20 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2022 cho cổ đông. Nguồn vốn để trả cổ tức bằng cổ phiếu lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên BCTC kiểm toán của Công ty. Vốn điều lệ của Công ty dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tăng lên hơn 1.007 tỷ đồng. Thời điểm phát hành tùy theo chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Tiếp tục báo cáo với cổ đông, LTG nhấn mạnh định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 (trong đó sẽ giảm 1 triệu lít hoá chất rải xuống đồng ruộng).
Lập quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân, đồng thời làm bảo lãnh nếu mất khả năng thanh toán nợ
Đại hội lần này cũng thống nhất việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân, với mục đích hỗ trợ cho nông dân trong trường hợp xảy ra thiên tai trên trên diện rộng với diện tích bị ảnh hưởng tối thiểu 500ha, liền kề trong phạm vi bán kính 2km ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân (gọi chung là “Sự kiện đặc biệt”). Sự kiện đặc biệt phải được xác nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh.
Ngoài mục đích sử dụng trên, Quỹ được sử dụng để bảo lãnh cho Công ty trong trường hợp Công ty mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Đối tượng chi bao gồm nông dân có ký hợp đồng hợp tác sản xuất, hợp đồng liên kết sản xuất với Tập đoàn có tên trong danh sách nông dân thời điểm chi và không phát sinh trường hợp chấm dứt hợp đồng hợp tác sản xuất, hợp đồng liên kết sản xuất.
Về mức chi, căn cứ từng trường hợp cụ thể được Hội đồng quản lý quỹ đề xuất và Tổng Giám đốc phê duyệt. Trong mọi trường hợp tổng số tiền chi theo quy định không vượt 100 tỷ đồng.
2022 là năm đầu tiên tận dụng được EVFTA và xuất khẩu gạo có thương hiệu riêng sang châu Âu
Năm 2022, LTG đạt doanh thu thuần 11.691 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2021. Đà tăng chủ yếu nhờ ngành lương thực với 6.505 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 57%. 2022 cũng được xem là năm thắng lớn của ngành lúa gạo Việt Nam với nhiều tin vui dồn dập, tiêu chuẩn chất lượng và giá thành gạo Việt trên trường xuất khẩu ghi nhận cải thiện đáng kể.
Trong đó, tháng 9/2022, LTG ra mắt thương hiệu Cơm ViệtNam Rice, thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên tại châu Âu. Sản phẩm được phân phối tị hệ thống 2 đại siêu thị lớn nhất của nước Pháp là Leclerc và Carrefour.
Ngược lại, doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tiếp tục giảm hơn 14%, do ảnh hưởng từ việc Syngenta ngừng hợp tác với Tập đoàn trong việc cung cấp sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật vào cuối tháng 2/2022. Tuy nhiên, so với năm 2021 mặt hàng Syngenta chiếm 48% cơ cấu doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật, thì năm 2022 chỉ còn chiếm 2,6% tỷ trọng.
Tình hình lãi suất từ các ngân hàng tăng, đẩy chi phí lãi vay tăng 55% so với năm 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2022 của Công giảm xuống còn 412 tỷ đồng.
Dù vậy, theo ông Philipp Roesler, Thành viên HĐQT LTG: “Năm 2022 là một năm LTG hoạt động tốt nhất trong lịch sử phát triển. Lần đầu tiên, LTG thực sự đã tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) để trong 2 năm vừa qua, hơn 80 ngàn tấn gạo của LTG đã đến châu Âu”.
Sang 3 tháng đầu năm 2023, ngành lúa gạo tiếp tục tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu lên đến 1 tỷ USD. Cổ phiếu ngành nói chung và LTG nói riêng phản ứng tích cực.
Được biết, LTG được thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ Thực vật An Giang. Năm 2011, Nhà máy xay xát lúa gạo đầu tiên cùa Công ty đi vào hoạt động để bao tiêu sàn phẩm cho nông dân, đánh dấu sự chuyển mình sang mảng lúa gạo. Đến nay, Công ty đã có 5 nhà máy đặt tại Đồng bằng sông Cửu Long, công suất mỗi nhà máy dạt 200.000 tấn/năm. Tương ứng, lúa gạo trở thành một ngành quan trọng cốt lõi, bèn cạnh các ngành truyền thống của Tập đoàn là giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật.